19/01/2025 | 10:36 GMT+7, Hà Nội

Sống ở chung cư: Những “vật thể lạ” bay ra từ cửa sổ

Cập nhật lúc: 27/07/2017, 09:00

Sống ở căn hộ của những tòa chung cư cao tầng là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng trong hoàn cảnh “cha chung không ai khóc”, ý thức văn hóa kém từ chuyện đổ rác, đi thang máy, đậu xe… đã khiến nhiều người sống tại chung cư phải lắc đầu ngán ngẩm.

Rác rơi biết ai mà phạt

Tại nhiều tòa nhà chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, Xa La, Văn Khê, Kim Văn, Thanh Xuân…hỏi qua sẽ thấy không ít cư dân ở đây từng chứng kiến cảnh rác từ “trên trời rơi xuống”. Đặc biệt có những bịch rác to nặng rơi xuống làm vỡ kính ô tô đậu bên dưới sân tòa nhà.

Điển hình phải kể đến chuyện anh Vũ Minh Nghiêm sống tại chung cư CT14 Bắc Hà (Tố Hữu). Theo chia sẻ của anh, khi mới chuyển về sinh sống tại tòa nhà này chưa đầy 4 tháng thì đã có đến 2 lần xe ô tô của anh “ăn” rác ở trên cao thả xuống. Lần đầu là một túi đầy cơm thiu, mì thối đầy xe, phải mang đi rửa hết 100.000 đồng mới sạch. Lần thứ hai thì kính xe nát tươm, vụn kính bắn vào bên trong xe khiến anh phải gọi đến cứu hộ.

Anh Nghiêm chia sẻ: “Căn hộ ném rác xuống là căn nào thì chịu không biết được nhưng vị trí căn hộ này nằm đối diện với phòng đổ rác, nghĩa là chỉ mở cửa đi 2 bước chân là ra phòng đổ rác nhưng vẫn họ vẫn thích ném qua cửa sổ hơn. May là xe em chứ nếu là người đang đi ngang qua thì chắc chắn đã mất mạng vu vơ vì một túi rác nặng đầy chai lọ rác rưởi cơm thiu”.

Túi rác từ trên cao rơi xuống làm vỡ kính ô tô (Nguồn: NVCC)

Túi rác từ trên cao rơi xuống làm vỡ kính ô tô (Nguồn: NVCC)

Trong khi đó, tại tòa nhà N03 (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), Chị Nguyễn Ngọc Tú ở tầng 4 vẫn còn ám ảnh mãi chuyện rác rơi. Chị cho hay, có một ngày vào lúc trời đã tối, cả khu chung cư đang tĩnh lặng thì bất ngờ một tiếng “rầm” rất lớn vang lên. Cả khu chung cư náo loạn, người chạy ra khỏi nhà vì sợ cháy nổ. Nhưng sau đó mới biết có một gia đình nào đó ném chiếc ghế gỗ từ trên tầng xuống mái tôn tầng 1. Chí Tú cũng cho biết, nhiều cư dân sống ở tầng trên rất thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi. Bất cứ thứ gì họ cũng có thể tiện tay ném xuống tầng 1. Những thứ gì nhẹ thì bám đầy trên mái tôn, trên lan can, còn thứ gì nặng thì rơi xuống sân chung cư.

Chị Tú còn nhớ mãi những ngày đầu tiên khi dọn về chung cư, mỗi sáng thức dậy chị thường mở cửa sổ đón nắng mới và không khí mát lành. Nhưng có một ngày cửa sổ nhà chị xuất hiện túi ni lông đựng đồ ăn thừa đã bốc mùi. Từ đó chị ít khi mở cửa sổ. Đặc biệt, để tránh rác từ những hộ bên trên ném xuống ban công, chị đã phải lắp tấm chắn tôn bên trên và yên tâm là nếu rác có rơi xuống thì vẫn ở trên tấm tôn chứ không rơi xuống ban công đang phơi quần áo.

Những loại rác

Những loại rác "tế nhị" cũng được thả rơi (Nguồn: NVCC)

Phụ thuộc ý thức cư dân

Hiện nay, đã có quy định việc vứt rác ở chung cư, đô thị và những mức phạt nếu vi phạm. Thiết nghĩ dù có ban hành quy định nhưng cư dân không nâng cao ý thức thì câu chuyện vứt rác bữa bãi ở hành lang, cầu thang, ban công, sân chung cư sẽ vẫn còn tái diễn.

Chị Hoàng Nhung, cư dân của tòa CT12 Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều lần bức xúc khi mỗi lần đi đổ rác thì lại thấy nhiều đống rác của nhà ai đó mang ra nhưng lại để ngay tại phòng rác mà không đẩy cho rác trôi xuống. Khiến lâu ngày những chỗ đó bốc mùi khủng khiếp ảnh hưởng đến cả không gian chung cư. Theo chị Nhung, mọi người chỉ cần vài giây ủn rác xuống là nhân viên vệ sinh có thể thu gom rác.

Là nhân viên vệ sinh ở chung cư La Khê, chị Nguyễn Thị Thúy không khỏi bức xúc chia sẻ: “Có một số cá nhân thiếu ý thức cứ “tới tháng” là vô tư thả cái tế nhị xuống gần khu tập kết rác. Có lúc còn thả trúng đầu mình. Cùng là phụ nữ, những thứ đó có thể gói cẩn thận rồi bỏ vào thùng rác, vừa sạch, vừa không mất vệ sinh mà còn không làm mất mỹ quan”.

Sống ở chung cư, có những chuyện nhỏ mà không nhỏ. Nếu không thích nghi được với "văn hóa chung cư" thì gây quá nhiều phiền phức cho cả một cộng đồng.