19/01/2025 | 16:23 GMT+7, Hà Nội

Sóc Trăng:  Vì sao vẫn còn những điểm ngập úng sau mưa?

Cập nhật lúc: 30/07/2016, 12:25

Sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường ở TP Sóc Trăng vẫn còn ngập úng. Đây cũng là một trong những vấn đề bức xúc được dư luận đặt ra và hoàn toàn chính đáng.

Được biết, trong giai đoạn 1, dự án thoát nước thải TP. Sóc Trăng đã xây dựng được 7,5km cống thu gom nước thải thuộc bờ Nam và bờ Bắc sông Maspero với 160 hố ga; xây dựng 16 hố ga tách dòng để tách nước thải và nước mưa; xây dựng 10 trạm bơm với trên 500m đường ống có áp; xây dựng ống xi-phong dài gần 200m băng qua sông Maspero, cải tạo và phục hồi 2,1km cống hiện hữu với 140 hố ga để chống ngập úng cho 5 lưu vực của thành phố. 

Ngoài ra còn xây dựng và lắp đặt hoàn chỉnh nhà máy xử lý nước thải theo phương pháp xử lý cơ học, công suất 13.180m3/ngày đêm với các hạng mục phụ trợ khác, với tổng kinh phí trên 6 triệu Euro.  

Hệ thống thoát nước thải của TP. Sóc Trăng

Hệ thống thoát nước thải của TP. Sóc Trăng. 

Chỉ nhìn vào các con số khối lượng công trình trên cũng đủ thấy nó chẳng thấm vào đâu so với phạm vi của thành phố Sóc Trăng. Và đó cũng là nguyên nhân của sự tồn tại những điểm ngập trên địa bàn thành phố sau những trận mưa lớn, kéo dài. 

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào hiện trạng để nói rằng dự án không phát huy tác dụng là chưa chính xác, vì 5 điểm ngập sâu thường xuyên trước đây được dự án thực hiện trong giai đoạn 1, gồm: khu vực Trần Hưng Đạo – Lê Hồng Phong – Nguyễn Văn Thêm – Nguyễn Thị Minh Khai, khu vòng xuyến Bộ đội Biên phòng tỉnh, đường Nguyễn Huệ -  Nguyễn Du – Hàm Nghi… tình trạng ngập đã được hạn chế khá nhiều và có ngập cũng không sâu và kéo dài như trước. 

Cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng ngập sau mưa tại một số tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn còn, thậm chí một số nơi xảy ra ngập lớn, như: đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường 30/4, đường Phú Lợi… gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. 

Thừa nhận vấn đề này, ông Lâm Hữu Tùng – Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Sóc Trăng, giải thích: “Nguyên nhân chủ yếu là do mạng thoát nước trên địa bàn thành phố chưa được kết nối liên thông, nên tình trạng ngập tại một số tuyến đường vẫn xảy ra sau những trận ,ưa lớn, kéo dài”. 

Để làm rõ thêm nguyên nhân trên, ông Tùng cho biết, tỉnh chỉ mới duy tu, nâng cấp, làm mới hệ thống cống tại một số tuyến đường, khu dân cư mới, còn lại phần lớn là hệ thống cống cũ từ thời chế độ trước để lại, có đường kính nhỏ, nên không đủ sức tải một lượng nước mưa lớn, gây ngập úng tại một số tuyến đường như trên. 

“Vậy bao giờ thành phố mới hết ngập?" đang là điều người dân thành phố rất muốn được cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng, nhưng theo ông Tùng, khó có thể đưa ra câu trả lời cụ thể được, ngay cả khi giai đoạn 2 của dự án kết thúc.

Ông Tùng phân tích: “Khối lượng công trình của giai đoạn 2 là khá lớn và dự kiến sẽ được khởi công vào quý II hoặc quý III năm 2017. Tuy nhiên, theo tôi, ngay cả khi hoàn tất khối lượng của giai đoạn 2 cũng khó để khẳng định rằng thành phố sẽ hết ngập, mà chỉ có thể là hạn chế tối đa tình trạng ngập sau những trận mưa lớn và kéo dài mà thôi”. 

Cũng theo ông Tùng, trong giai đoạn 2, dự án sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước còn lại trên địa bàn thành phố và kết nối liên thông toàn bộ hệ thống thoát nước thành phố với hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Khi đó, công suất nhà máy xử lý nước thải sẽ được nâng lên 24.000m3/ngày đêm, tức gần gấp đôi công suất hiện tại để đủ sức xử lý toàn bộ lượng nước thải đưa về nhà máy. 

Ông Tùng nói: “Hiện nay, vào mùa nắng, lượng nước thải đưa về nhà máy xử  lý chỉ khoảng 7.000 – 8.000m3, nên việc nâng công suất nhà máy ở giai đoạn 2 chủ yếu là phục vụ cho việc thu gom, xử lý lượng nước mưa. Do đó, sau khi giai đoạn 2 của dự án hoàn tất, chuyện ngập úng sẽ ít xảy ra hơn so với hiện nay”. 

Mỗi một công trình, dự án đều mang đến sự kỳ vọng lớn cho người dân và một khi sự kỳ vọng ấy chưa được đáp ứng ngay thường mang lại cảm giác bức xúc. Điều đó là có thể hiểu được, nhưng có một điều mà dư luận cũng cần phải hiểu rõ hơn là với hiện trạng hệ thống thoát nước, cũng như các công trình được thi công ở giai đoạn 1 của dự án vừa qua là chưa đủ để giúp thành phố hết ngập trong thời gian ngắn sắp tới. 

Việc trích một khoản thu nhập của người dân để đóng góp vào phí dịch vụ thoát nước thải là chuyện bất đắc dĩ tỉnh phải làm do nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn hẹp.

Tuy nhiên, người dân hãy tin tưởng rằng, dưới sự giám sát của Hội đồng nhân, UBND các cấp và đặc biệt là cộng đồng dân cư, nguồn phí đóng góp đó sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả, phục vụ thiết thực đời sống, sinh hoạt của người dân./.