19/01/2025 | 10:23 GMT+7, Hà Nội

Sóc Trăng: Rà soát các thủ tục hỗ trợ cho DN hoạt động giết mổ

Cập nhật lúc: 21/07/2016, 22:32

Sau hàng loạt bài viết liên quan đến sự bất hợp lý của “Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2020” của tỉnh Sóc Trăng, mới đây các cơ quan chức năng tỉnh sở tại gấp rút chỉ đạo rà soát lại các thủ tục, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các Doanh nghiệp tham gia giết mổ.

Doanh nghiệp gặp khó

Như Tieudung+ từng đề cập, giữa tháng 8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định số 841/QĐHC-CTUBND về việc phê duyệt “Đề án Qui hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2020”, nhiều cơ sở giết mổ gia súc nằm trong diện qui hoạch buộc phải di dời, chấm dứt hoạt động trong năm 2015.

Tuy nhiên, do việc triển khai đề án quá gấp rút về mặt thời gian khiến người kinh doanh dù “vắt chân cổ lên cổ” cũng không đẩy kịp đúng tiến độ theo yêu cầu.

Đơn cử như tại huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), khi có QĐ số 841, đây là thời kỳ diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện nên chủ trương nói trên không được các cấp chính quyền địa phương triển khai đến chủ cơ sở lò mổ Đại Tâm (ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên).

Mãi đến trung tuần tháng 6/2015, huyện mới ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Đề án 841 trên địa bàn huyện.

Thực hiện QĐ 841, DN Đại Tâm đã đầu tư gần 10 tỉ để di dời lò mổ. 

Thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa mưa, ngập lụt liên tục nên cơ sở Đại Tâm dù vận hết “nội công” cũng không thể đẩy kịp tiến độ.

Riêng công đoạn di dời, mở rộng diện tích, chủ cơ sở này phải bỏ tiền ra mua đất của người dân, sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng, xin phê duyệt đề án xây dựng… các công đoạn này nếu nhanh nhất cũng phải mất từ 3-4 tháng mới hoàn thành các thủ tục, nhưng việc san lấp mặt bằng, đào hố, xây dựng gặp điều kiện thời tiết bất lợi, mưa ngập lụt nên không thể xây dựng kịp.

Vì vậy, vô tình nếu xét theo tiến độ như đề án đề ra: "phải hoàn thành nâng cấp, mở rộng cơ sở giết mổ vào cuối năm 2015" là tình huống bất khả thi.

Một vấn đề chưa hợp lý nữa đó là QĐ số 841 buộc cơ sở Đại Tâm di dời nhưng trên thực tế, phía chính quyền địa phương không xác định được phải di dời đến vị trí nào? Chính sách hỗ trợ ra sao?

Gỡ rối thủ tục cho Doanh nghiệp 

Trước những bất cập nói trên, trong cuộc trao đổi với PV Tieudung+, ông Huỳnh Ngọc Vân - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đang rà soát lại QĐ 841, dứt điểm cấm mổ nhỏ lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau đó, sẽ trình lãnh đạo tỉnh xin điều chỉnh lại QĐ 841 cho phù hợp với thực tiễn, không để cho DN chịu thiệt thòi. Bởi, thời gian triển khai Đề án 841 áp dụng vào thực tế quá gấp khi ra quyết định vào cuối năm 2014 nhưng yêu cầu DN hoàn thiện vào năm 2015 sẽ gây trở ngại cho các DN thực hiện. 

Riêng đối với lò giết mổ gia súc Đại Tâm, chúng tôi yêu cầu DN di dời theo đúng qui hoạch của Đề án 841 và nâng công suất từ 120 con lên thành 220 con cho phù hợp với thực tế”.  

Ông Vân cũng cho biết thêm, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chuyên môn để Đại Tâm thực hiện đúng Đề án 841.  

Thế nhưng, vấn đề người dân quan tâm nữa là  tại QĐ 841 cũng qui hoạch đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ ra súc tập trung tại P.10 (TP Sóc Trăng, cách cơ sở Đại Tâm khoảng 500m), với qui mô giết mổ 300 con heo và 20-30 con trâu bò/ngày nhưng tất cả đến nay vẫn “treo”.

Ông Vân giải thích: “Chúng tôi sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ không cấp phép cho lò giết mổ tại Phường 10 nữa và xác định lò giết mổ Đại Tâm sau khi nâng công suất sẽ được chọn thay thế”. 

Về phía chính quyền sở tại, sau khi Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng họp khẩn, yêu cầu rà soát, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho DN tham gia giết mổ các thủ tục pháp lý đầy đủ, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân. 

Qua trao đổi với PV, ông Đào Đắc Hùng - PCT UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để di dời lò mổ Đại tâm theo đề án 841 của tỉnh, chính quyền đã nhận được hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng  đất của DN Đại âm và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất. Nếu vướng mắc, khó khăn thì chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn DN làm đúng trình tự thủ tục trong thời gian sớm”. 

Trước sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ của chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng, chủ DN Đại Tâm cho hay: “Chúng tôi đồng ý các chủ trương của tỉnh.

Đến nay DN đã mua hơn 12000m2 đất, nâng công suất giết mổ lên 300 con heo, 30 con trâu bò, vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng. Và DN đang xúc tiến xây dựng, nâng cấp, di dời, chuyển đổi đất từ nông nghiệp qua phi nông nghiệp. Về lâu dài DN đáp ứng yêu cầu của chủ trương của tỉnh đề ra”.  

Ông Nguyễn Tư Tương- đại diện chủ DN lò mổ Đại Tâm cho biết, rất đồng tình với chủ trương quy hoạch của tỉnh.

Ông Nguyễn Tư Tương- đại diện chủ DN lò mổ Đại Tâm cho biết, rất đồng tình với chủ trương quy hoạch của tỉnh. 

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 841/QĐHC-CTUBND ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cấp chính quyền, đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng: 01 cơ sở giết mổ tập trung (tại P. 8, TP. Sóc Trăng).

Có cải tạo, nâng cấp, chưa mở rộng cơ sở giết mổ tập trung: 5 cơ sở (Thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách; Thị trấn Long Phú, huyện Long Phú; Phường 1, TX. Ngã Năm; Thị trấn Cù Lao dung, huyện Cù Lao dung; Ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành). 

Đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung mới: 01 cơ sở (Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề).

Đang triển khai Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung mới: 01 cơ sở (Phường 02, thị xã Vĩnh Châu). Đồng thời, gi dời cơ sở giết mổ tập trung: 01 cơ sở (thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú).

Chấm dứt hoạt động nhưng chưa di dời 01 cơ sở (Thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị).

Đang triển khai thực hiện di dời cơ sở giết mổ tập trung đến cuối năm 2016 hoàn thành: 02 cơ sở (Thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ xuyên; Xã Đại Tâm, huyện Mỹ xuyên). 

Chấm dứt hoạt động 12 điểm nhỏ lẻ (huyện Cù Lao Dung 09 điểm; thị xã Vĩnh Châu 03 điểm). 

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 25 lò giết mổ tập trung và 36 điểm giết mổ nhỏ lẻ đều được nhân viên thú y trực tiếp thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm có nguồn gốc động vật an toàn cho người tiêu dùng./.