21/11/2024 | 15:45 GMT+7, Hà Nội

Sở Xây dựng Hà Nội xử lý thế nào với 80 công trình "nợ đọng" vi phạm trật tự xây dựng?

Cập nhật lúc: 31/03/2019, 10:06

Cho đến thời điểm này, toàn TP vẫn còn tồn đọng 80 công trình vi phạm trật tự xây dựng trước năm 2018 chưa được xử lý, giải quyết. Vẫn còn quận, huyện chưa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, chưa xử lý giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm còn tồn đọng.

Theo báo cáo trong tháng 3-2019 của Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tiế́n hành kiểm tra công tác cấp phép xây dựng tại 24/30 quận huyện thị xã. Trong quý II, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra tại 6 quận huyện gồm: Long Biên, Thanh Oai, Mê Linh, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng và Mỹ Đức.

Sở Xây dựng đã có 13 văn bản đôn đốc quận huyện thị xã, đồng thời có 12 văn bản báo cáo đề xuất Thành ủy, UBND TP. Về phía Thành ủy và UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã và thị trấn phải tập trung xử lý giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn đọng trên địa bàn quản lý. Các đơn vị này đã có nhiều cố gắng xử lý một số lượng lớn các công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa triệt để, đồng thời vẫn còn 80 trường hợp tồn đọng trước năm 2018 chưa được xử lý, giải quyết. Vẫn còn quận, huyện chưa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, chưa xử lý giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm còn tồn đọng.

80 cong trinh nao tai ha noi con vi pham trat tu xay dung

Hai tháng đầu năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị toàn TP đã xử lý 44/65 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: G.B

Quá trình thanh tra, kiểm tra công vụ đối với 30 đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã, Thanh tra Sở đã xem xét, kỷ luật đối với 98 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng (72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc).

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở đã tổ chức thực hiện 14 cuộc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng đối với 206 dự án. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có vi phạm, đồng thời ban hành 144 quyết định xử phạt (không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng…) với số tiền 4,1 tỷ đồng và 45 quyết định thu hồi sau thanh tra kiểm tra với số tiền là 45.488.034.300 đồng .

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, hiện vẫn còn những bất cập như quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý và thiết kế đô thị trên địa bàn TP chưa được phủ kín, do vậy gây khó khăn cho công tác cấp giấy phép xây dựng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 91, Luật Xây dựng 2014 về điều kiện cấp phép xây dựng đối với công trình trong đô thị: “Công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành”. Như vậy, các công trình không đủ điều kiện nêu trên phải xin ý kiến về thông tin quy hoạch cho từng công trình làm cơ sở để cấp phép xây dựng.

Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chỉ áp dụng được tại các khu đô thị mới triển khai xây dựng đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế các khu vực đô thị cũ (ví dụ: Việc áp dụng quy chuẩn Việt Nam về tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng đối với nhà đất khu phố cũ, khu phố đã ổn định chưa phù hợp thực tế dẫn tới tình trạng xây dựng sai phép…)

Một bất cập khác, các quy định lĩnh vực cấp phép xây dựng chưa rõ ràng và thống nhất cũng dẫn tới khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng, đặc biệt là đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Hiện các khu vực ngoài bãi sông vẫn chưa thống nhất về tính pháp lý của các quy hoạch chi tiết cũng như quy hoạch phòng chống lũ chưa được phê duyệt cũng gây khó khăn cho công tác cấp phép xây dựng, đặc biệt là nhà dân cần cải tạo xây dựng mới đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn không cấp phép xây dựng được do không thỏa thuận được với các cơ quan có thẩm quyền về quản lý đê điều, bãi sông.

Sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết hồ sơ vẫn chưa chặt chẽ, kịp thời, các cơ quan được tham vấn thông tin để phục vụ công tác cấp phép xây dựng vẫn còn tình trạng trả lời chậm trễ, thông tin không đầy đủ, thời gian xin ý kiến tham vấn của các cơ quan này kéo dài gây khó khăn cho công tác cấp phép xây dựng.