26/11/2024 | 08:44 GMT+7, Hà Nội

Làm gì khi bị ong đốt?

Cập nhật lúc: 19/12/2015, 06:00

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên.

Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người.

Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.

Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit).

Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholin. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều.

Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như ong vò vẽ, ong đất, do đó, tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.

Sơ cứu đúng cách

Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên cao để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác (không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công).

Sau đó, cần thực hiện những cách sơ cứu sau:

- Dùng kẹp nhổ tóc để nhổ, hoặc dùng cạnh sắc của miếng bìa, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại,… để gạt và lấy ngòi ong ra (nếu là ong mật, số lượng vết đốt ít).

Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau. Không nên đắp trực tiếp nước đá lên chỗ ong đốt.

Bôi dung dịch calamin (thường bôi lên vết bỏng để làm dịu đau) hoặc hồ bột natri lên vết thương, có tác dụng trung hòa và thấm hút nọc độc. Băng che kín phần vết thương.

Lấy được ngòi của ong ra ngoài


Nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác; phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim. Bó nẹp tay hoặc chân để tránh sự lay động khi di chuyển đến bệnh viện. Nếu cần thiết, có thể tiêm huyết thanh chống độc.

- Cho bệnh nhân uống đủ nước.

- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

- Gọi cấp cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu: Số lượng vết đốt nhiều (từ 10 nốt trở lên).

Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt). Bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, ví dụ:

- Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt.

- Mẩn ngứa.

- Khó thở.

- Mệt nhiều.

- Đái ít.

- Vàng mắt, vàng da.

Bệnh nhân khó thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có. Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không cố tìm vôi để bôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.

Phòng tránh ong đốt

- Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.

- Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới), không chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn.

- Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng (ong dễ đến làm tổ).

- Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4).

Trang phục đủ và dày

- Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.

- Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.

- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).

- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).

- Cách loại bỏ tổ ong: Dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết.

Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ).

Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng./.