19/01/2025 | 07:03 GMT+7, Hà Nội

Siro ho cho trẻ, dùng không đúng "tiền mất tật mang"

Cập nhật lúc: 13/11/2018, 20:30

Siro họ hiện không còn xa lạ đối với những gia đình có con nhỏ. Đây là loại thuốc thảo dược phụ huynh có thể tự mua cho con dùng mà không cần đến chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng.

Siro ho bán tràn lan

Hiện nay trên thị trường siro ho được bán rất nhiều, hàng nội địa phải có đến trăm loại còn hàng xách tay, ngoại nhập thì không đếm xuể.

Chỉ cần tìm kiếm từ “mua siro ho” thì google hiện ngay hơn 2.000 kết quả siro ho khác nhau. Trên các chợ online thì việc mua bán siro ho càng tấp nập hơn, vô vàn các loại với vô vàn giá cả được quảng cáo với những lời có cánh “chỉ cần 2 ngày, uống mỗi ngày vài giọt là cắt được cơn ho cho con”.

Siro ho là loại thuốc được chiết xuất từ thảo mộc, cây lá vườn nhà cho nên nhiều cha mẹ đã tự ý chẩn đoán bệnh ho và ra hiệu thuốc mua về dùng cho con. Điều này cũng lý giải cho việc siro ho được bán tràn lan, nhiều loại hàng ngoại nhập, hàng xách tay và các cơ quan chức năng không kiểm soát hết.

Không nên lạm dụng thuốc ho

Chắc hẳn dư luận cũng chưa thể nào quên được vụ việc cuối năm 2017, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi đã tử vong sau khi được cha mẹ cho uống siro ho. Vụ việc là lời cảnh tỉnh cho những phụ huynh cho con dùng siro vô tội vạ vì nghĩ nó là các sản phẩm thảo dược.

Rất ít cha mẹ nhận thức được rằng, bệnh ho của trẻ được phân ra nhiều loại, mỗi loại ho hợp với một loại thuốc và có khi phải dùng kháng sinh hoặc một loại thuốc khác thì con mới khỏi bệnh. 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai "ho ở trẻ bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh (dưới 2 tháng) thì không được phép dùng thuốc ho, tất cả các thuốc ho của trẻ sơ sinh đều nguy hại. Điều này WHO đã khuyến cáo. Nếu trẻ ho chỉ đi khám, nếu nặng thì cho con nhập viện còn ho nhẹ thì để bé sẽ tự khỏi".

"Nhiều loại bệnh hô hấp cần để trẻ ho mới tống hết dịch nhờn trong họng. Nếu dùng siro ho ức chế phản xạ ho thì bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, một số loại siro ho còn làm ức chế thần kinh trung ương ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thuốc ho chứa thuốc phiện, thuốc ho ức chế trung tâm hô hấp. Và các loại thuốc này cũng đặc biệt không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi", bác sĩ cho biết thêm. 

Không chỉ người Việt mà trên thế giới, dường như rất nhiều cha mẹ tin tưởng dựa vào siro ho mặc dù nó được các chuyên gia cho rằng, không có tác dụng nhiều với các loại ho.

Bằng chứng là hằng năm, người Anh tốn khoảng 400 triệu Bảng vào các loại thuốc này. Nhưng theo nghiên cứu của tổ chức Cochrane (hiệp hội phi lợi nhuận quốc tế về y khoa), không có một bằng chứng nào cho thấy thuốc ho, đặc biệt là siro có thể rút ngắn quá trình ho hay giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn trong vòng 30 năm trở lại đây.

Các nhà khoa học tại ĐH Massachusetts (Mỹ) sau những nghiên cứu còn rút ra kết luận "Không có bằng chứng lâm sàng chứng tỏ các thuốc long đờm hoặc siro trị ho thực sự có hiệu quả", chúng không khác gì thuốc giảm đau quá liều và đặc biệt nguy hiểm cho trẻ.

P

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng không nên lạm dụng thuốc ho.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cũng đồng ý với việc không nên lạm dụng thuốc ho "trong các trường hợp ho và cảm cúm thì thuốc dân gian là rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, phương pháp dân gian là kháng sinh tự nhiên, nó sẽ chỉ giảm ho do virus, với các loại ho do khuẩn thì bắt buộc phải dùng kháng sinh". Trong những năm làm nghề, ông đã cấp cứu nhiều ca ngộ độc vì dùng thuốc Đông y không chuẩn chất lượng. Do đó, cha mẹ phải vô cùng thận trọng khi sử dụng những loại thuốc này.
"Cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc ho khi bé ho quá nhiều, đến mức mà đứa trẻ mệt mỏi và lả đi. Nhiều khi ho là một phản xạ tự nhiên, để tống đờm ra khỏi cơ thể. Nhiều phụ huynh quá lo lắng dù cơn ho của đứa trẻ không phải quá nặng. Nếu bố mẹ hiểu được điều này và chấp nhận để trẻ ho vài ngày rồi tự khỏi còn hơn là cho con uống thuốc ho. Hãy hạn chế thuốc ho hết mức có thể".

Theo bác sĩ Dũng, thuốc ho thường có 4 loại và mỗi loại hợp với cơ địa của từng cháu, không có công thức dùng chung. Mà để cha mẹ có kiến thức phân biệt 4 loại thuốc ho này không phải dễ dàng. Một số loại thuốc ho rất hiệu quả nhưng đôi khi lại gây nguy hiểm cho bé. Ví dụ thuốc ho chứa thuốc phiện, thuốc ho ức chế trung tâm hô hấp. 

"Nếu bắt buộc phải dùng thuốc ho thì cha mẹ chỉ nên cho con dùng tối đa 1 tuần. Song song với đó, cần theo dõi tình hình sức khỏe của bé, nếu nặng hơn thì phải cho trẻ đi thăm khám để điều trị kịp thời".

Trong thời tiết giao mùa thu đông, cách hạn chế việc trẻ ho và dùng thuốc là cha mẹ nên "giữ môi trường thông thoáng, trong lành. Từ nhà cửa, giường chiếu phải sạch sẽ và vệ sinh cá nhân thường xuyên để con không bị nhiễm vi khuẩn từ không khí. Trẻ cũng nên tiêm phòng đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng tốt để có thể miễn dịch được các loại ho hen, cúm sốt".