22/01/2025 | 22:47 GMT+7, Hà Nội

Siêu dự án Eco Green Saigon làm điều chưa từng có ở Việt Nam

Cập nhật lúc: 04/09/2020, 18:13

Dự án Eco Green Saigon chỉ mới bàn giao căn hộ ở block đầu tiên, nhưng chủ đầu tư đã khẩn trương hướng dẫn khách hàng nộp hồ sơ làm “sổ hồng”. Đây là điều chưa từng có ở các dự án trên cả nước.

Cụ thể, ngày 25/8/2020, Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn, chủ đầu tư dự án Eco Green Saigon, ra thông báo cho biết, công ty này đang lập hồ sơ để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cho các căn hộ thuộc tòa HR1.

Chủ đầu tư cũng hướng dẫn khách hàng đã mua căn hộ tại tòa nhà HR1 nộp hồ sơ theo quy định, thời gian nộp hồ sơ là 2 tháng, bắt đầu từ ngày 5/9/2020 - 5/11/2020.

Tiến độ thực tế tiến độ dự án Eco Green Saigon  (Ảnh: Rever)

Theo ghi nhận chung, tại TP.HCM hiện nay có hàng trăm dự án căn hộ vẫn đang nợ “sổ hồng” của cư dân. Thậm chí có nhiều dự án bàn giao sau 8 - 10 năm vẫn rơi vào tình trạng như trên.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, căn hộ đủ điều kiện bàn giao phải có văn bản nghiệm thu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Theo quy định, trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao căn hộ cho người mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “sổ hồng” cho người mua. Khi người mua nhận được “sổ hồng” thì mới phải thanh toán số tiền 5% còn lại. Việc làm thủ tục sớm của chủ đầu tư có yếu tố tích cực và rất đáng hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh thực tế rất hiếm dự án làm “sổ hồng” đúng thời hạn.

Cập nhật tiến độ của dự án Eco Green Saigon của Rever, ngày 26/8/2020, cho biết, hiện tòa HR1 và HR2 đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là 2 tháp hoàn thiện sớm nhất dự án. 

Được biết, Eco Green Saigon là khu phức hợp có quy mô bậc nhất khu Nam Sài Gòn với diện tích lên đến 14,36 ha. Dự án được khởi công xây dựng chính thức vào quý I/2018. Ngoài ra, tòa nhà thương mại cao 69 tầng dự kiến khởi công vào năm 2021.

Cẩm nang nhận bàn giao căn hộ cho khách hàng

Bàn giao căn hộ là công việc rất dễ xảy ra thiếu sót, nếu bên bàn giao cũng như khách hàng chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều kiện đầu tiên để bàn giao căn hộ là dự án phải có văn bản nghiệm thu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Global Home, các bên cần theo sát quy trình 10 bước, được tổng hợp từ kinh nghiệm thực tế, như sau:

Bước 1: Nghiệm thu điều hòa

Đầu tiên, đóng tất cả cửa phòng lại và bật điều hòa lên để nhiệt độ khoảng 22 độ. Đếm số lượng điều hòa, số lượng cục nóng.

- Tất cả các phòng đều mát, và phải ngắt lốc sau tối đa 2 tiếng, aptomat không nhảy.

- Không chảy nước xuống sàn tại miệng thổi và miệng hồi.

- Lắng nghe khi cục nóng chạy có phát ra tiếng ồn quá to không. Nếu ồn thì phải kiểm tra những bước sau:

+ Kiểm tra các tấm vận chuyển đã tháo chưa.

+ Kiểm tra đường ống có bị chạm vào vỏ máy không.

+ Kiểm tra xem cục nóng có bị nghiêng, xiêu vẹo hay không. Các bulong ốc vít có lắp đủ và chặt không.

Bước 2: Các thiết bị điện, viễn thông

- Kiểm tra tủ điện: Các aptomat phải ở tình trạng giật xuống là tắt, kéo lên là bật.

- Kiểm tra ổ cắm để xem tình trạng có điện của các ổ.

- Kiểm tra quạt gió vệ sinh, máy hút mùi: Nhanh nhất là châm điếu thuốc lá, hít một hơi, phả khói vào gần quạt rồi theo dõi xem tốc độ hút.

- Tắt mở công tắc kiểm tra bóng đèn, yêu cầu sáng đều không bị nháy.

- Dùng bút thử kiểm tra rò điện. Nên kiểm tra ngẫu hứng trên tường, khu xung quanh công tắc và ổ điện.

Bước 3: Kiểm tra tường, trần

- Nhìn màu sơn phải đồng đều, không loang lổ, lưu ý các chỗ quanh công tắc, miệng điều hòa, quạt gió là hay lỗi nhất.

- Kiểm tra độ phẳng của tường: dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa thước và tường, tắt đèn và dùng đèn pin soi ngược lại xem ánh sáng lọt ngược lại. Kiểm tra đặc biệt ở cao độ khoảng 1,5m đến 1,8m (chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo) là hay bị lỗi nhất.

Bước 4 : Kiểm tra sàn gỗ, sàn gạch

Yêu cầu ghi rõ chủng loại, xuất xứ của sản phẩm lắp đặt, cung cấp các thông số kỹ thuật, đặc tính của vật liệu, giấy bảo hành và thời hạn bảo hành.

Phần sàn gỗ:

- Màu sắc: đều màu, kiểm tra lớp phủ vân bề mặt, nếu xước, lỗi bắt thay.

- Kiểm tra độ phẳng của sàn bằng thước nhôm, kết hợp đèn pin như kiểm tra tường, nếu không phẳng, yêu cầu sửa lại.

- Kiểm tra các khe hở giữa 2 tấm gỗ, nếu hở lớn, yêu cầu sửa lại.

- Kiểm tra toàn bộ mặt sàn xem có chỗ nào phồng, rộp không (chú ý các góc nhà, cạnh tường và cửa toilet), nếu có lỗi, yêu cầu sửa.

- Đi lại trên sàn phải không có tiếng cọt kẹt, cứ đi lại và nhún trên sàn thì sẽ phát hiện ra.

- Kiểm tra nẹp chân tường: Phải đồng mầu, chỗ nối đấu đầu nẹp chân tường phải phẳng, không nhìn thấy nốt đinh trên mặt nẹp, các đoạn nối không được quá ngắn, phải > 1,5 - 2m cho mỗi đoạn, chỗ tiếp giáp giữa nẹp chận tường và sàn gỗ không được hở khe theo mặt bằng và mặt đứng. Nếu hở mặt bằng tức là sàn gỗ bị hụt, hở mặt đứng là nẹp chân tường bị lẹm hoặc cong.

Phần gạch ốp:

Các mạch ốp phải thẳng, đều và sắc nét. Toàn bộ bề mặt kết cấu phải làm sạch vữa, bột trát mạch và các vết bẩn ố trên bề mặt ốp. Công tác kiểm tra chất lượng ốp tiến hành theo trình tự thi công và bao gồm các chỉ tiêu chính như sau:

- Độ phẳng của mặt ốp, làm tương tự như kiểm tra tường.

- Độ đặc chắc và bám dính của nền ốp với vật liệu ốp - gõ vào bề mặt gạch ốp.

- Độ đồng đều của của mặt ốp về màu sắc, hoa văn, các mạch ốp, chi tiết trang trí.

- Đối với các phòng khác cũng kiểm tra tương tự, về độ phẳng, đồng đều màu sắc, không bị nứt, vỡ, các mạch gạch phải được đầy và cùng màu sàn gạch.

Mặt ốp phải thoả mãn các yêu cầu:

- Tổng thể mặt ốp phải đảm bảo đúng hình dáng, kích thước hình học theo yêu cầu của thiết kế.

- Vật liệu ốp phải đúng quy cách về chủng loại, kích thước và màu sắc, không cong vênh, sứt mẻ, không có khuyết tật

- Màu sắc của mặt ốp bằng vật liệu nhân tạo phải đồng nhất.

- Các mạch ốp ngang dọc phải sắc nét, đều thẳng và đầy vữa.

- Vữa trát trên kết cấu phải chắc đặc. Khi kiểm tra vỗ lên mặt ốp không có tiếng bộp. Những viên bị bộp và long chân phải tháo ra ốp lại.

- Trên mặt ốp không được có vết nứt, vết ố do vữa, sơn, vôi hoặc do các loại hoá chất gây ra.

- Khi kiểm tra bằng thước dài 2m đặt áp sát vào mặt ốp, khe hở giữa thước và mặt ốp không quá 2mm.

Bước 5: Kiểm tra cửa gỗ, cửa nhôm kính, cửa kính bếp

- Màu sắc: Màu đều, không lệch màu giữa các cửa và trong cùng một bộ cửa, kể cả khuôn cửa và nẹp cửa. Không bị cháy đen tại các góc có nẹp trang trí.

- Hoàn thiện: Nhẵn mịn, không bị thô ráp, không bọt khí trên bề mặt (kiểm tra bằng cách dùng tay mà xoa lên mặt gỗ).

- Phải nhìn thấy vân gỗ: Có nhiều cánh khi phun bị cháy mầu, thợ sẽ đè mầu mất vân gỗ như sơn bệt.

- Cánh lắp phải thẳng: Kiểm tra bằng cách mở cửa ra khoảng 45 độ, thấy cánh không tự đóng hay tự mở.

- Kiểm tra bản lề, phải sạch sẽ, không dính sơn PU (sơn gỗ), các đầu vít không bị toét, bản lề không bị xước. Bản lề phải đục chìm vào trong khuôn, không lắp nổi trên mặt khuôn.

- Kiểm tra khóa cửa: Đóng cánh cửa, khóa phải dễ không bị kẹt. Thử tất cả các khoá không bị xiết, đút chìa rút chìa nhẹ nhàng. Sau khi đóng cửa cầm tay khóa, giật và đẩy nhẹ, nếu cánh bị lắc tức là đục khóa sai. Cánh cửa khi khóa có độ chặt vừa phải, cánh đục sai sẽ gây tiếng ốn nếu gió từ ban công vào.

- Kiểm tra kích thước: Cánh cửa cách sàn tối đa 5mm, cách khuôn cửa tối đa 2mm, nhưng cũng không được sát quá không là bị xệ, chạm đất và chạm khuôn.

- Kiểm tra số lượng chìa cho mỗi khóa, thử từng chìa cho mỗi ổ khóa, lấy băng dính giấy ghi lại dán lên chìa cho dễ tìm về sau.

- Đối với cửa nhôm kính, phải không trầy xước, kéo ra nhẹ nhàng, silicon bơm mép kính và khung nhôm phải đều và bóng phẳng. Khóa cửa nhôm dùng tay giật và đẩy nhẹ, cánh không được rung lắc quá mạnh, khi kiểm tra thì kéo ra vào phải nhẹ, không kẹt, vấp và khi đóng toàn bộ nhìn khe giữa hai cánh cửa kính phải đều và cùng nằm trên mặt phẳng.

Bước 6: Kiểm tra khu vệ sinh

- Đóng hết đường thoát nước chậụ, mở vòi nước (cả nóng lạnh để kiểm tra luôn) cho gần đầy sau đó xả nước và quan sát :

Nước chậu thoát trước 01 phút => Không bị tắc, cái nào thoát chậm phải xem lại (tương tự kiểm tra cho chậu rửa ở bếp). Kiểm tra xi phông xung quanh có bị thấm nước không.

- Không có mùi nhà vệ sinh.

- Kiểm tra số lượng phễu thoát sàn: Nguyên tắc tắm đứng riêng, sàn riêng.

- Giật nước bồn cầu và quan sát xem có bị thấm ra sàn không, mở nắp két nước ra quan sát xem van phao có hở không (vẩy một giọt mực vào trong bệ xí cho dễ nhìn).

- Các thiết bị khác như sen, vòi, xịt kiểm tra tình trạng xem có hoạt động tốt không, tắt vòi nước còn rỉ ra không.

- Kiểm tra có vòi xối để lấy nước lau nhà không.

- Kiểm tra đường cấp nước, thoát nước cho máy giặt.

- Phần ốp lát, kiểm tra như phần lát gạch, riêng mặt đá kiểm tra các cạnh xem có nhẵn bóng không (lấy tay mà sờ).

- Với vách kính tắm đứng đóng cửa lại, mở nước ra, phun nước lên các phần gioăng cửa xem có bị hở nhiều không, kiểm tra xem nước có bắn ra ngoài không, nước trên sàn có thoát kịp không. Kiểm tra silicon có được bắn gọn đẹp hay lem nhem ra ngoài không. Kiểm tra gờ chặn nước phải cao 10 phân. Nếu không đạt, yêu cầu sửa chữa.

- Cuối cùng với khu vệ sinh: Khi đảm bảo đã kiểm tra kỹ vệ sinh, thì hứng lấy một xô nước đầy, ra ngoài cửa và dội vào trong sàn vệ sinh, quan sát xem nước thoát thế nào, có bị đọng ở đâu không, nếu không đọng và thoát nhanh là ổn.

- Kiểm tra van tổng nước nóng, lạnh từ đồng hồ đo nước tại hộp kỹ thuật hành lang. Đóng mở thử để đảm bảo van tổng cắt nước tốt, không bị hở, đồng hồ có phải đúng đồng hồ đo nước nhà mình không, hay bị đánh dấu nhầm. Yêu cầu cho biết đồng hồ nước có được kiểm định tại các cơ quan nhà nước không? Chốt chỉ số đồng hồ nước.

Bước 7: Kiểm tra tủ quần áo, tủ bếp, tủ gỗ lavabo

- Màu sắc: Kiểm tra như với cửa gỗ, lưu ý là tủ sơn bệt về độ nhẵn mặt trong cánh, các cánh tủ khi kéo phải êm, không kêu, không chạm nhau.

- Hoàn thiện: Cánh tủ không được vênh, lưu ý cánh tủ quần áo rất dễ vênh (ngắm bằng mắt hoặc áp các thước nhôm), cánh mở ra đóng vào không bị chạm vào các cánh/kết cấu khác. Khi đóng các khe hở giữa các cánh, giữa cánh với cánh tủ phải đều, khe hở tối đa không quá 2mm.

- Mặt đá tủ bếp chỗ nối phải phẳng (kiểm tra bằng tay hoặc áp thước nhôm lên), các cạnh phải đánh bóng đều, không còn vết mài, chỗ đặt mặt chậu rửa tiếp xúc với mặt đá phải bơm silicon, vết bơm không được lem nhem.

Bước 8. Kiểm tra Ban công

- Kiểm tra lan can sắt đã sơn chưa có chỗ nào mài chưa hết còn sắc hay nhọn không.

- Cửa kỹ thuật mở vào chỗ cục nóng phải mở ra được nhẹ nhàng.

- Đóng cửa kính làm vài xô nước hắt thẳng vào cửa kiểm tra độ kín, chú ý các khe tiếp giáp giữa khung và tường. Dội xuống sàn lô gia kiểm tra thoát nước.

- Phải đảm bảo có phễu thoát nước riêng ở cả 2 khu Lô-gia và Phòng giặt phơi, riêng biệt với phễu thoát nước máy giặt.

Bước 9. Đo diện tích

- Đo theo các kích thước yêu cầu trên bản vẽ. Phần diện tích có thể được đưa ra sau, quan trọng là chốt các số liệu kích thước đo với bên bàn giao. Bản vẽ nên được in hoặc copy ra A3 làm mấy bản để dễ nhìn, đánh dấu các vị trí yêu cầu sửa chữa, có thể chuyển cho chủ đầu tư 1 bản đánh dấu các vị trí cần sửa cho chính xác.

Sau khi hết 9 bước này rồi, để chắc chắn không sót hạng mục gì thì quay về bước 1 để nghiệm thu điều hòa và đừng quên bước 10.

Bước 10. Bước cuối cùng (sau khi kiểm tra các bước không có lỗi cần làm lại, hãy ký bàn giao).

- Tắt hết điện, nước, khóa cửa ban công lại ra cửa yêu cầu kiểm tra khóa cửa chính và yêu cầu bàn giao các loại remote và chìa khóa. Nên reset lại mã và đặt mã mới, dán niêm phong lại (yêu cầu cả hai bên ký vào). Cái này nên làm vì chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi khi nghiệm thu xong rồi nhà thầu vẫn vào và thậm chí đổi, tháo thiết bị.

- Yêu cầu bàn giao các chỉ số đồng hồ điện, nước tại đồng hồ.

- Yêu cầu sơ đồ điện và ống nước để phòng trường hợp khoan trúng khi lắp đặt nội thất.

- Ghi các thay đổi và ý kiến nếu phát hiện lỗi.

- Tập hợp các thay đổi cần sửa chữa theo bảng: Thứ tự, các hạng mục theo nhà mẫu, theo hợp đồng, các hạng mục thực tế, yêu cầu, kiến nghị.