24/11/2024 | 16:23 GMT+7, Hà Nội

Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Cập nhật lúc: 13/09/2016, 09:32

Nhiều mẹ bầu hay truyền tai nhau rằng sóng siêu âm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhất là đối với những mẹ bầu lần đầu mang thai. Điều này có đúng không?

Siêu âm thai là gì?

Siêu âm là một phương pháp sử dụng âm thanh có bước sóng cao hơn ngưỡng mà tai người có thể nghe được, phát ra từ một thiết bị gọi là đầu dò rồi sau đó được phản hồi lại khi gặp các lớp vật chất khác nhau nhằm tái hiện lại hình ảnh sâu bên trong mà nhìn ở ngoài chúng ta không biết được.

Các chùm tia sóng âm thanh chỉ xuyên qua nước, mô mềm như phổi, gan, thận chứ không đi qua xương, khí.

Siêu âm trước sinh được dùng để tái hiện hình ảnh của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ.

Siêu âm không gây ảnh hưởng đến thai nhi như nhiều bà bầu vẫn lo lắng

Mục đích của việc siêu âm thai

Siêu âm thai được thực hiện một cách định kỳ trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ nhằm mục đích:

- Kiểm tra vị trí  và tốc độ phát triển của thai nhi.

- Kiểm tra các dị tật thai nhi

- Xem bé sắp sinh chưa nếu thai quá ngày dự sinh.

- Để kiểm tra các vấn đề trong bụng như thai ngoài tử cung trong lần siêu âm đầu tiên, em bé nằm bình thường hay là ngược sau tuần 38.

- Để theo sõi thai nhi khi làm các xét nghiệm đặc biệt như chọc dò ối, nội soi thai, hoặc hỗ trợ kỹ thuật mổ lấy thai.

Siêu âm có ảnh hưởng lên thai nhi không?

Câu trả lời là không.

Giống như nhiều kỹ thuật y khoa khác, siêu âm ngày càng được cải tiến về trang thiết bị cũng như kỹ thuật để quá trình thực hiện ngày càng diễn ra nhanh chóng, an toàn.

Sóng siêu âm được phát ra từ đầu dò vào trong bụng, khi gặp vật cản sẽ dội lại và được đầu dò nhận tín hiệu. Loại sóng này, cũng tương tự như âm thanh chúng ta nghe vậy, chỉ có khác là nó có tần số cao hơn và không hề có ảnh hưởng xấu.

Một số lời đồn đại là mẹ “chăm đi siêu âm” sẽ làm thai nhi bị thừa cân, thiếu cân, gây ung thư hay làm con bị điếc là hoàn toàn không có cơ sở khoa học chứng minh.

Một số nghiên cứu trên thế giới cho rằng, việc siêu âm nhiều lần có thể làm thai nhi giảm khả năng nghe do ảnh hưởng của sóng âm.

Tuy nhiên, nhiều chứng minh thực tế cho thấy rằng, siêu âm không gây hại của mẹ và bé vì cường độ sóng âm rất thấp để có khả năng gây ra bất kể biến đổi nào đến sức khỏe con người. Vì vậy, trong quá trình mang thai việc siêu âm vẫn có thể thực hiện siêu âm nhiều lần khi cần thiết.

Siêu âm hoàn toàn khác với X quang, và hiện nay các nhà khoa học chưa tìm thấy bằng chứng nói lên tính nguy hiểm hoặc không an toàn khi thực hiện siêu âm thai.

Siêu âm 2D, 3D, 4D đều sử dụng sóng âm thanh, nên tất cả đều an toàn. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ là siêu âm 3D, 4D tổng hợp các tín hiệu lại để dựng lên hình ảnh 3 chiều, 4 chiều, thay vì chỉ có 2 chiều như 2D.

Ngoài các hình thức siêu âm ở tên còn có siêu âm Doppler màu. Siêu âm Doppler màu dựa trên hiệu ứng Doppler để xác định hướng chuyển động của vật thể so với đầu dò siêu âm, và thường được sử dụng để khảo sát mạch máu. Chính vì thế mà xét nghiệm này có thể kiểm tra được tình trạng chức năng của nhau thai.

Các lưu ý khi siêu âm thai

Trước khi thực hiện siêu âm, mẹ bầu nên uống nhiều nước và nhịn tiểu.

Điều này có thể khiến chị em khó chịu nhưng việc bàng quang căng to sẽ giúp hình ảnh của bé con hiện rõ trên màn hình để giúp bác sĩ kiểm tra các thông số một cách chính xác.

Bác sĩ siêu âm sẽ quét một lớp dầu hoặc kem chuyên dụng lên bụng mẹ bầu với mục đích giúp quá trình truyền sóng âm tốt hơn.

Bác sĩ sẽ di chuyển thiết bị biến năng trên vùng bụng đã được thoa kem theo những hướng khác nhau để kiểm tra các vấn đề khác nhau của thai nhi.

Trong khi đó, mẹ bầu nằm trên giường sẽ theo dõi toàn bộ hình ảnh của em bé trên màn hình trước mặt.

Hầu hết các chuyên gia y tế đều cho rằng siêu âm là an toàn và chẳng gây ra tác hại. Vậy nên nếu bạn đang nóng lòng muốn biết thiên thần nhỏ của mình trông như thế nào trong bụng mẹ, đừng chần chừ mà hãy đến bệnh viện làm xét nghiệm này ngay nhé.