19/01/2025 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

Sau Tết, giá thực phẩm thôi “nhảy múa”?

Cập nhật lúc: 18/02/2019, 06:32

Sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều bà nội trợ thở phào nhẹ nhõm bởi giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống không “gồng mình” tăng giá như những năm trước đó.

  Một góc hàng rau xanh tại chợ tạm Quan Nhân. Ảnh: Bảo Loan

Một góc hàng rau xanh tại chợ tạm Quan Nhân. Ảnh: Bảo Loan

Giá thị trường thực phẩm biến động không đáng kể

Khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, ngày 15/2, tại một số chợ đầu mối và chợ tạm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt, cá… có mức giá khá ổn định.

Bà Nguyễn Ngọc An (45 tuổi), tiểu thương tại chợ tạm Quan Nhân cho hay: “So với ngày 29, 30 Tết thì giá rau xanh rẻ hơn. Ví dụ, rau ngót bị ảnh hưởng của thời tiết nên trước Tết có giá từ 8.000 đồng/bó, nhưng sau Tết chỉ có giá 5.000 - 6.000 đồng/bó. Thậm chí, tại chợ đầu mối Ngã Tư Sở, rau ngót đầu mùa chỉ còn giá 3.000 đồng/bó. Tương tự, su hào cuối vụ giữ giá so với trước Tết là 5.000 đồng/củ. Súp lơ có giá 10.000 đồng/bông. Mặt hàng thịt lợn tươi sống tiếp tục giữ giá từ 80.000- 90.000 đồng/kg tùy loại”.

Theo bà An, thời điểm người dân bắt đầu trở lại làm việc thì giá nhiều loại thực phẩm cũng có biến động nhưng không đáng kể. Thịt lợn tăng giá thêm 5.000 đồng/kg. Cá trắm giá từ 70.000 đồng/kg nhích lên 75.000 - 80.000 đồng/kg. Thịt bò từ 170.000- 250.000 đồng/kg tùy loại vẫn luôn ổn định ở mức giá này.

Mặt hàng đang có nhiều biến động giá nhất trong thời điểm hiện tại là các loại hoa, trái cây. Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, vì nhu cầu đi lễ tâm linh nên mặt hàng này vẫn có giá khá cao.

 Quầy bán cá tươi của bà An luôn được khách tìm đến sau Tết Nguyên đán.

Quầy bán cá tươi của bà An luôn được khách tìm đến sau Tết Nguyên đán.

Chị Thu Hoài (35 tuổi), tiểu thương bán hoa quả tại chợ tạm Quan Nhân cho biết: “Hiện tại, giá của một số loại quả như: Thanh long, xoài cát, cam, na đều tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại”.

Trong khi đó, giá của mặt hàng hoa tươi không có xu hướng tăng. Hoa ly vẫn có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/bó 10 bông, tùy loại. Hoa cúc vàng, hoa hồng giữ giá 5.000 đồng/bông. Hoa lay ơn có giá là 90.000 - 120.000 đồng/chục bông, tùy loại.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn.

Điều tiết thị trường khiến hàng hóa ổn định

 Nhiều siêu thị giữ giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống hút khách hàng.

Nhiều siêu thị giữ giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống hút khách hàng.

Sự biến động nhẹ giá hàng hóa sau Tết là có sự đóng góp lớn từ Liên bộ Công thương - Tài chính điều hành theo hướng ổn định nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết. Liên bộ này đã có kế hoạch theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa trên các địa bàn, đẩy mạnh công tác an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng đến nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày.

Tại Hà Nội, Sở Công thương thành phố đã có các biện pháp để bình ổn thị trường, cung cầu hàng hóa hợp lý trong dịp trước trong sau Tết Nguyên đán, tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Sở Công thương cũng là đầu mối kết nối các đơn vị sản xuất và phân phối, giữa các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố với các tổ chức cá nhân trên cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối hàng hóa an toàn, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra thị trường tiếp tục tăng cường thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hoá; trong đó có mặt hàng gạo. Vấn đề an toàn thực phẩm được tập trung thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá phục vụ người tiêu dùng.

Bộ Công thương cho biết, đây là năm đầu tiên lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình mới quy định tại Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường duy trì theo dõi sát báo cáo tình hình thị trường từ các địa phương trong suốt thời gian trước và trong Tết, đặc biệt, quan tâm đến diễn biến cung cầu, giá cả hàng hoá thiết yếu; tình hình vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ…

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, Hà Nội đã tăng cường các mặt hàng thiết yếu như gạo, các loại thịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ tươi, các mặt hàng nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát… để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Có thể thấy, mặt hàng rau củ, quả có giá cả ít biến động, còn một số loại rau gia vị, rau trái mùa thì có giá tăng nhẹ. Việc tăng giá này phụ thuộc một phần vào nhu cầu của khách hàng, cộng thêm thời tiết ấm áp. Vì vậy, việc giữ bình ổn giá của các mặt hàng thực phẩm ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán vừa qua, có thể nói là một thành công của phía cơ quan quản lý nhà nước.

 

Bảo Loan