22/11/2024 | 01:15 GMT+7, Hà Nội

Sau khi chặt hạ, cây sưa “trăm tỷ” ở Hà Nội được bán giá bao nhiêu?

Cập nhật lúc: 18/02/2019, 11:59

Sau 8 năm lùm xùm, cây sưa đỏ từng được định giá trăm tỷ ở đền Đức Thánh Nhì (làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) đã được chặt hạ chờ ngày mang đi đấu giá. Hiện tại số gỗ sưa này được cất trong thùng container với hệ thống camera giám sát nghiêm ngặt.

  Toàn bộ 31 khúc gỗ cây sưa chặt hạ tại chùa làng đang được bảo quản chặt chẽ trong container khóa kín đặt tại sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính. Ảnh: Mạnh Thủy

Toàn bộ 31 khúc gỗ cây sưa chặt hạ tại chùa làng đang được bảo quản chặt chẽ trong container khóa kín đặt tại sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính. Ảnh: Mạnh Thủy

Thôn sắm camera, dựng hàng rào thép B40 bảo vệ gỗ sưa

Những ngày đầu năm mới, 31 khúc gỗ của hai cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi đã được chuyển vào container đặt tại sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính trước sự chứng kiến, kiểm đếm của chính quyền, kiểm lâm và đông đảo người dân. Container sau đó được niêm phong, khóa 4 ổ khóa và hàn 2 thanh sắt chắn ngang 2 cửa. Một hàng rào thép B40 cao 2m dựng quanh thùng container.

Ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, bốn chìa khóa container được giao cho bốn người giữ, nếu muốn mở cửa thì phải có sự thống nhất của họ. Hai thanh sắt hàn ngang cửa thùng để khi kẻ gian muốn trộm phải dùng máy cưa, như vậy sẽ tạo ra tiếng động lớn và bị phát hiện ngay.

Người dân thống nhất chọn 3 công an xã là người của thôn và một người chuyên trông nhà văn hóa để bảo vệ container chứa gỗ sưa. Những người này sẽ ngủ tại nhà văn hóa, luân phiên nhau canh giữ từ 19h đến 6h hôm sau. Để công tác an ninh được thắt chặt, thôn còn đầu tư tiền lắp đặt cả hệ thống camera giám sát số gỗ sưa.

“Thôn đã bố trí giường trong nhà văn hóa để họ có chỗ ăn ngủ. Chúng tôi sẽ tính công cho họ như những ngày làm bình thường”, ông Tuyến nói và cho biết những ngày mưa, mất điện, thôn sẽ tăng cường người canh gác, không để xảy ra tình trạng mất trộm như năm 2013.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về việc bán đấu giá số gỗ sưa nói trên, ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho hay: Chính quyền xã đã thực hiện hướng dẫn đầy đủ cho thôn về các thủ tục về đấu giá, giờ phụ thuộc hoàn toàn vào quyền quyết định của thôn.

Còn theo ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, do là vùng nông thôn phụ thuộc vào nông nghiệp, đang vào vụ mùa cấy hái nên phải sau Rằm tháng Giêng năm nay, thôn mới họp bàn cụ thể để lên kế hoạch bán đấu giá. “Hiện tại chưa thực hiện đấu giá nên chúng tôi chưa biết là sẽ được bao nhiêu tiền và cũng chưa thể có phương án cụ thể chi tiêu. Nhưng cơ bản số tiền bán đấu giá được sẽ dùng để tu sửa các công trình đền chùa trong thôn và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ lợi ích của dân làng”, ông Tuyến nói.

Cây sưa 130 tuổi có còn giá trăm tỷ?

 Chùa làng Phụ Chính - nơi 2 cây sưa quý vừa được chặt hạ để chờ bán đấu giá.

Chùa làng Phụ Chính - nơi 2 cây sưa quý vừa được chặt hạ để chờ bán đấu giá.

Một người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính cho biết, vài năm trước, cây sưa trăm tuổi đã được thương lái tìm đến trả giá tới 100 tỷ đồng, tuy nhiên lúc đó dân thôn không bán. Sau đó, một nhánh cây có nguy cơ bị gãy đổ, nên người dân đã cắt bán cho một thương lái ở Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh với giá trên 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, số gỗ trên bị Công an huyện Chương Mỹ tạm giữ do thiếu thủ tục mua bán.

Năm 2015, số gỗ này được chính quyền xã bán đấu giá thu về hơn 31 tỉ đồng. Cũng kể từ đó, cây sưa trăm tuổi này liên tục bị các đối tượng trộm cắp, kẻ gian nhòm ngó. Một hôm, lợi dụng đêm tối, trời mưa bão, kẻ gian đã phá cổng chùa vào chặt trộm một nhánh sưa mang đi bán. Từ đó, cây sưa lâu đời được dân làng “mặc áo giáp sắt” chống trộm và cắt cử nhau canh giữ cẩn thận cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, kể từ ngày bị trộm, phần thân của cây sưa bị sâu, mọt tấn công khiến người dân lo lắng giá trị của cây sẽ giảm đi.

Một ông chủ chuyên thu mua gỗ quý ở Đồng Kỵ chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, giá gỗ sưa đỏ thời điểm hiện tại không còn được định giá cao như so với khoảng 8-9 năm về trước. Thời điểm hoàng kim là năm 2010 - 2011, gỗ sưa cổ thụ hiếm gặp, có đường kính lớn từ 50cm trở lên thì mới có giá dao động từ 35-40 triệu đồng/kg. Còn những cây lâu năm nhưng có đường kính bé hơn, từ 30-50cm có giá khoảng từ 20 – 35 triệu đồng/kg. Những cây gỗ sưa đỏ có đường kính nhỏ hơn nữa thì giá cũng đã là 10-15 triệu đồng/kg. Thậm chí gỗ vụn, cành và nhánh cũng có giá trên dưới 5 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên cũng theo người này, vài năm gần đây, giá trị cây sưa đỏ cũng giảm đi gần một nửa so với 7,8 năm trước. Người này cũng cho biết cũng đã từng xem cây sưa cổ ở thôn Phụ Chính và cho rằng cây này nếu bán được giá cũng không quá 50 tỷ đồng vì thân cây đã có dấu hiệu bị mục, mối ăn.

Các cụ cao niên thôn Phụ Chính cũng đã thừa nhận rằng số lượng gỗ sưa này khó mà bán được con số 100 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, tất cả người dân đều vui mừng khi cây sưa đỏ được chặt hạ, bán đấu giá theo đúng trình tự pháp luật. Họ tâm sự, số tiền thu được dự kiến dùng để tu sửa và xây dựng một ngôi chùa khang trang, nhằm khép lại hành trình gian nan khai thác và bảo vệ cây sưa trăm tỷ…

Kể cả gỗ mọt hay cành vụn cũng phải gom lại để bán

“Quá trình chặt hạ 2 cây sưa có sự chứng kiến của 23 thành viên thuộc Ban khai thác, quản lý và giám sát tài sản của cộng đồng dân cư trong thôn. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng có mặt để đảm bảo an ninh trật tự. Thời đểm máy móc tiến hành đào cây, thôn cũng có nhiều người trông lắm. Ban ngày trời sáng thì thôi chứ ban đêm là phải thắp đèn lên. Do đây là tài sản chung nên kể cả gỗ mọt hay cành vụn chúng tôi cũng phải gom lại để bán. Không những vậy, lá cây sưa người dân cũng phải gom để riêng ra 1 chỗ, không ai dám đụng vào”, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính chia sẻ.

 

Mạnh Thủy