Samsung đang làm gì trên Galaxy S20?
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 07:20
Giao thoa hay sự pha trộn giữa các dòng máy từ Samsung?
Samsung vốn rất rành mạch và cụ thể hoá chiến lược khi phân định mỗi dòng, phân khúc smartphone của mình bằng một “họ” riêng, dù cùng chung từ Galaxy. Trong đó, Galaxy S được xác định là dòng máy đầu bảng, cao cấp của hãng, luôn tiên phong và ra mắt từ rất sớm và đầu mỗi năm. Galaxy Note ra mắt vào quý III thường niên, một phiên bản nâng cấp tính năng của Galaxy S nhưng bổ sung rất nhiều tiện ích, trong đó có bút S-Pen đã quá nổi tiếng và hướng tới nhóm khách hàng có thói quen tích hợp công việc cần sử dụng tới bút để ghi chép, ký hoạ, sáng tác…
Galaxy A là dòng máy giúp nhà sản xuất Hàn Quốc chiếm lĩnh phân khúc smartphone tầm trung cận cao cấp. Các thiết bị này ngày càng mang những ưu điểm thiết kế từ dòng Galaxy S, nhưng có cấu hình thấp hơn để mang tới mức giá dễ chịu cho giới trẻ hay những người không cần tới một chiếc smartphone cao cấp cho nhu cầu.
Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Khoảng hai năm trở lại đây, người dùng bắt đầu thấy những bản sắc riêng vốn “đo ni đóng giày” cho mỗi thành viên gia đình Galaxy đang có dấu hiệu trộn vào nhau. Galaxy Note giờ đây có tới hai, thậm chí ba phiên bản (Note 10, Note 10+ và Note 10 Lite) thay vì một máy mỗi năm. Galaxy A ngày càng giống Galaxy S và cấu hình cùng mức giá cũng được nâng lên.
Trong khi đó, Galaxy S giờ lại giống… Galaxy A, ít nhất về mặt hình thức, điển hình là Galaxy S20 series và Galaxy A51, A71… (các máy dòng A ra trước). Dù trước đây Galaxy S luôn là hình mẫu để Galaxy A mượn thiết kế. Với Galaxy S20 Ultra màn hình tới tới 6,9 inch, Samsung để cho dòng S “dẫm chân” vào mảng phablet của Galaxy Note, những thiết bị đang làm chủ cuộc chơi smartphone màn hình lớn.
Rõ ràng, việc giao thoa giữa các dòng máy với nhau mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dùng, giúp họ có được thiết bị mình mong muốn theo đúng nhu cầu. Nhưng điều này cũng cho thấy Samsung đang khát khao doanh số, muốn thâu tóm tất cả mọi ngóc ngách nhu cầu thị trường.
Bạn thích smartphone màn hình to, pin lớn, cấu hình “khủng” nhưng không cần tới cây S-Pen? Thay vì chấp nhận mua Note và luôn cắm bút chẳng dùng tới, giờ đây Galaxy S20 Ultra hội tụ đủ yêu cầu, miễn là có tiền. Hay người dùng cần một smartphone bình thường, nhưng lại thích cây S-Pen giờ đây đã có lựa chọn Galaxy Note 10 Lite, giá chỉ nhỉnh hơn một máy Galaxy A chút xíu.
Không giống như Apple với chiến lược bán một smartphone đắt tiền và một hoặc hai mẫu rẻ hơn cho người không muốn chi quá nhiều, Samsung đang muốn bán smartphone cho tất cả mọi người. Để làm được điều này, hãng đang xoá nhoà danh giới của từng dòng máy bằng cách nhặt mỗi nơi một chút rồi tạo ra sản phẩm pha trộn, bước đi phần nào đó đánh mất bản sắc.
Áp lực thời gian khiến Galaxy S20 nhạt nhoà
Năm 2017, Galaxy S8 / S8 Plus ra mắt tạo ra một cuộc “cách mạng” về thiết kế smartphone đối với Samsung nói riêng và điện thoại nói chung. Samsung nhanh chóng được xem như hãng dẫn đầu xu thế smartphone tràn viền. Không chỉ đẹp, bộ đôi S8 / S8 Plus còn mạnh mẽ nhất nhì thế giới Android lúc bấy giờ.
Nhưng chỉ một năm sau, S9 / S9 Plus lại bị chê tơi tả vì trông chẳng khác gì thế hiện tiền nhiệm. Năm 2019, Galaxy S10e / S10 / S10+ lại tạo nên một cuộc bùng nổ khác, khen chê lẫn lộn, nhưng không thể phủ nhận đó vẫn là thành quả của sự cải tiến và đổi mới không ngừng từ đội ngũ thiết kế.
Năm 2020, Samsung giới thiệu Galaxy S20 series lại có phần nhạt nhoà, một phần cũng bởi áp lực mỗi năm phải thiết kế, sáng tạo và công bố sản phẩm mới định kỳ. Thế hệ mới này vừa giống dòng S10 năm ngoái, vừa có nét hao hao “đàn em” Galaxy A trong gia đình. Bộ ba sản phẩm đầu năm của nhà sản xuất Hàn Quốc không tạo được tiếng vang nào về mặt thiết kế.
Cấu hình là thông lệ khi Galaxy S luôn mang những gì tốt nhất của phần cứng trong một năm nên không có gì đáng ngạc nhiên hay phải trầm trồ. Về tính năng, người dùng cũng chẳng thiết tha lắm. Thẳng thắn mà nói, các tính năng của Galaxy S20 series không có nhiều ý nghĩa, đa phần chỉ “làm màu” nhằm thu hút người dùng, ít tính thực tiễn, điều đã không ít lần diễn ra.
Mới đây nhất là “sự cải tiến” S-Pen trên Note 10 giúp họ thực hiện nhiều trò giải trí hơn với cây bút. Nhưng cũng ít người chê bai, nói điều đó chẳng cần thiết. Ai lấy S-Pen ra để làm trò “vẩy vẩy” trên không trung chỉ nhằm lướt mấy tấm ảnh hay đổi camera khi chụp hình? S-Pen để viết, để vẽ ký hoạ, nay có thêm tính năng vẽ… mặt mèo, tai thỏ cùng mấy thứ linh tinh đậm chất mua vui khác. Nhưng S-Pen vẫn chưa thể viết nghiêng đầu bút ở góc hẹp giống Apple Pencil, thiết bị ra sau nhiều năm trời. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm khi vẽ trên màn hình của người dùng.
Zoom quang, zoom số hay khoe lố?
Camera trên điện thoại từng chứng kiến một cuộc đua tăng “chấm” đầy khốc liệt cách đây nhiều năm. Khi người dùng bắt đầu nhận ra nhiều “chấm” thì chi tiết hơn nhưng cũng không cần thiết hơn vì cảm biến trên điện thoại quá nhỏ so với máy ảnh, những tấm hình chụp ra cũng chỉ để xem trên máy và khoe lên mạng xã hội chứ ít ai in ra, phóng lớn, nhiều nhà sản xuất lại bắt đầu cho cuộc đua mới là Zoom.
Zoom quang học vốn là một đặc quyền trên máy ảnh nhanh chóng có mặt trên smartphone thông qua các ống kính tele hay ống thiết kế tiềm vọng. Nhưng smartphone không giống máy ảnh, giới hạn của thiết bị hiện nay chỉ có thể mang đến mức zoom nhỏ. Để khắc phục hạn chế này, các nhà sản xuất bổ sung khả năng zoom kỹ thuật số (crop cảm biến vào vị trí cần chụp giống như đang zoom quang) nhưng chất lượng ảnh không còn được như mong đợi.
Bằng phần mềm và các thuật toán, một số nhà sản xuất như Sony hay Nokia mang tới khả năng zoom lai ít hao hụt chi tiết hơn trên điện thoại, tốt hơn zoom số.
Khi thị hiếu tăng, nhiều nhà sản xuất bắt đầu “thổi phồng” sản phẩm của mình, qua mặt người dùng. Trang tin uy tín Android Authority chỉ ra Xiaomi và OnePlus là hai điển hình cho hành vi này. Xiaomi Mi Note 10 được quảng cáo zoom quang 5x nhưng thực chất chỉ 3,7x rồi crop lại. OnePlus 7 Pro chụp zoom 3x 8 megapixel từ một camera tele 13 megapixel có khả năng zoom 2.2x.
Galaxy S20 series cũng có một điểm nhấn tương tự. Hãng giới thiệu cảm biến 64 megapixel cùng công nghệ “Hybrid Optic Zoom 3x” (zoom quang lai 3x) và “Hybrid Optic Zoom 10x”. Thêm một “phát minh” từ Samsung khi sản phẩm chẳng thể zoom quang 3x hay 10x nhưng vẫn có chữ “Optic” (quang) trong tên gọi. Nhưng thực tế chính Samsung xác nhận “Hybrid Optic Zoom 10x” trên Galaxy S20 Ultra chỉ có zoom quang 4x, còn S20 và S20+ được các chuyên gia phát hiện camera zoom quang chỉ 1.06x.
Tất cả đều tận dụng cảm biến 64 megapixel để crop hình rồi xử lý bằng thuật toán nhằm mang về kết quả 3x và 10x như quảng cáo.
Galaxy S20 Ultra dính lỗi
Chưa mở bán toàn cầu (mới bán tại Hàn Quốc từ 27/2) nhưng các đánh giá ban đầu cho thấy Galaxy S20 Ultra, sản phẩm cao cấp nhất của S20 series năm nay dính lỗi liên quan tới camera. Cụ thể, máy có hiệu năng lấy nét tự động kém, tự xử lý mịn da quá đà và xử lý ảnh chậm.
Trong đó, tự động lấy nét chậm đang gây lo ngại cho rất nhiều nhà đánh giá khi phát hiện thiết bị thường xuyên bắt sai trọng tâm khi chụp ảnh hoặc quay video, khiến hình ảnh bị mờ. Phía Samsung ngay lập tức tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ có bản cập nhật phần mềm để khắc phục và cải thiện trải nghiệm camera trên thiết bị này.
Có thể nói camera là điểm sáng của S20 Ultra trong thời buổi bão hoà tính năng khi được trang bị ống kính chính 108 megapixel, tự động lấy nét theo pha, cảm biến có khả năng kết hợp 9 pixel thành 1 pixel để xuất ảnh 12 megapixel nhiều chi tiết hơn.
13:00, 04/03/2020
19:41, 02/03/2020
10:30, 08/02/2020