23/01/2025 | 11:03 GMT+7, Hà Nội

Sai phạm tại dự án Vita Riverside: Sở Xây dựng Bình Dương có bao che chủ đầu tư?

Cập nhật lúc: 23/07/2020, 20:46

Quá thời hạn cho phép, vì sao công trình hạ tầng xây dựng không phép tại dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (Vita Riverside) vẫn tồn tại.

Trách nhiệm của ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương ở đâu khi liên tục để xảy ra hàng loạt vụ xây dựng không phép trên địa bàn tỉnh?

Thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh sai phạm tại dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (Vita Riverside). Tài chính Doanh nghiệp cũng có bài viết: “Lãnh đạo Bình Dương “nâng đỡ trong sáng” cho Công ty Tuấn Điền Phúc?” nói về sai phạm liên quan đến quá trình cấp phép dự án cho Công ty Tuấn Điền Phúc.

Ngày 20/05/2020, dự án Tuấn Điền Phúc đã bị Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra và ra Quyết dịnh xử phạt đối với Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc (do ông Nguyễn Văn Tuấn là người đại diện pháp luật) số tiền 40 triệu đồng về việc xây dựng công trình trái phép.

Theo Quyết định này, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành Công ty Tuấn Điền Phúc phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu hết thời hạn mà đơn vị không xuất trình giấy phép thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới được thi công xây dựng.

Dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (Vita Riverside) của Công ty Tuấn Điền Phúc xây dựng không phép, nhưng chính quyền địa phương vẫn "ưu ái"

Thay vì áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay là cưỡng chế công trình sai phạm, Sở Xây dựng Bình Dương cho công ty Tuấn Điền Phúc “phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng”. Phải chăng, Sở Xây dựng Bình Dương đang cố tình bao che cho sai phạm?

Bởi sau khi bị xử phạt, dự án Vita Riverside đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đến nay, hạ tầng dự án này đã cơ bản xây dựng xong. Hiện nay, đã quá 60 ngày, kể từ ngày xử phạt, nhưng Sở Xây dựng Bình Dương vẫn chưa có động thái gì để tiến hành phá bỏ công trình xây dựng không phép.

Đây không phải dự án đầu tiên xây dựng không phép bị Sở Xây dựng Bình Dương phạt hành chính và cho thời gian để hợp thức hoá giấy tờ sai phạm. Gần như tất cả các dự án xây dựng không phép, sau khi bị phát hiện, Sở xây dựng Bình Dương chỉ xử phạt hành chính. Rồi sau đó, doanh nghiệp “chạy” để “hợp thức hoá” thủ tục. Phần xây dựng sai phạm “tự nhiên” được trở thành chiếc phao cứu sinh để doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục, hoàn thiện hồ sơ dự án.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương từng "làm luật" doanh nghiệp nhưng vẫn được thăng chức

Điển hình như vụ dự án Golden Future City, dự án Khu nhà ở Thắng Lợi xây dựng không phép; dự án Marina Tower tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương về việc công trình xây dựng do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát làm chủ đầu tư đang có dấu hiệu lấn kênh Thầy Năm; hay vụ hàng trăm ngôi nhà mọc lên không phép ở Bình Dương chỉ trong một đêm. Nhà ở không phép nhiều nhất phải kể đến các địa bàn thuộc TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Qua thống kê sơ bộ từ sở Xây dựng tỉnh này cho thấy, bình quân mỗi địa phương này có trên 10 khu dân cư tự phát với hàng nghìn căn nhà xây dựng trái phép.

Hay báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho thấy trong quý 1/2020 đã kiểm tra và ban hành 114 quyết định xử lý vi phạm hành chính, bình quân 1,2 vụ/ngày. Trong 114 trường hợp vi phạm có 76 trường hợp xây dựng không phép, 7 trường hợp xây dựng sai phép và 35 trường hợp vi phạm khác. Tổng số tiền phạt là 5,6 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân đã nộp phạt 4,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các dự án của các doanh nghiệp sai phạm bị xử phạt ở báo cáo trên đến nay vẫn không bị cưỡng chế công trình sai phạm. Nhiều dự án đã "hợp thức hoá" xong thủ tục pháp lý.

Có thể nói, nhiệm kỳ của ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, tỉnh này "nóng" bởi chuyện hàng loạt dự án xây dựng không phép. Sau đó, các dự án chỉ bị xử phạt hành chính, rồi "chìm xuồng". Dư luận cho rằng Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương cố tình bao che sai phạm cho chủ đầu tư các dự án!?

Giám đốc và Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương từng “làm luật” doanh nghiệp

Năm 2004, khi còn là thanh tra viên của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, ông Võ Hoàng Ngân và ông Lê Hữu Nhơn cùng với bà Đoàn Bích Thủy – Chánh thanh tra Sở Xây dựng khi ấy, đã “bắt tay” với một công ty bên ngoài để “làm luật” một số doanh nghiệp khi tiếp nhận hồ sơ xin hoàn công của các doanh nghiệp này.

Mặc dù bị phát hiện “làm luật” với số tiền hơn 1 tỉ đồng, nhưng những cán bộ này không bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án đưa - nhận hối lộ.

Năm 2017, ông Võ Hoàng Ngân nắm quyền, sau đó là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đến nay. Còn ông Lê Hữu Nhơn đang là Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.

 

Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.

– Đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện.

– Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

– Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế. Khi thực hiện cưỡng chế phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

– Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.

– Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

– Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.

– Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/sai-pham-tai-du-an-vita-riverside-so-xay-dung-binh-duong-co-bao-che-chu-dau-tu-20201231000002849.html