Rõ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Cập nhật lúc: 25/05/2020, 15:43
Cập nhật lúc: 25/05/2020, 15:43
Thời gian qua, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị và đạt được những kết quả tích cực trong việc tiếp, đối thoại và xử lý kiến nghị của dân. Tuy nhiên, có nơi, có lúc vẫn chưa làm tốt, để xảy ra những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Do vậy, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo phải xử lý nghiêm và rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết các vụ việc này để làm gương.
Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy
Ngày 7-5-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138-KH/TU thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân”. Trong năm qua, các quận, huyện, thị ủy của thành phố đã nghiêm túc triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đưa nhiệm vụ tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân vào quy chế làm việc; tạm đình chỉ người đứng đầu cấp xã, hạ bậc thi đua Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn nếu chậm giải quyết đơn thư... "Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ và Kế hoạch số 138-KH/TU, từ năm 2019 đến nay, Chương Mỹ giải quyết xong 90,1% số vụ khiếu nại, tố cáo; các xã, thị trấn cũng giải quyết đạt 82% số vụ việc", Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng nói.
Ông Bùi Văn An, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) nhận xét: “Tình hình chính trị ở các xã trên địa bàn huyện gần đây ổn định hơn. Có được kết quả này là nhờ các cấp ủy, chính quyền đã tiếp dân, giải quyết đơn thư đến nơi đến chốn”.
Tại quận Đống Đa, Thường trực Quận ủy chủ trì tổ chức các cuộc họp chuyên đề, mời công dân đến đối thoại, từ đó đề ra giải pháp từng bước tháo gỡ. Bí thư Quận ủy Hà Minh Hải cũng nhiều lần trực tiếp đến nhà công dân có phản ánh, kiến nghị để nắm bắt tình hình, kiểm tra thực tế và chỉ đạo giải quyết. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, quận Đống Đa đã giải quyết được trên 95% đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Huyện Chương Mỹ và quận Đống Đa chỉ là hai trong số nhiều địa phương của thành phố Hà Nội thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ và Kế hoạch số 138-KH/TU. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đối với công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân để giải quyết đơn thư ngày càng rõ nét từ khi có Quy định số 11-QĐi/TƯ và Kế hoạch số 138-KH/TU. Cụ thể, quý I-2020, toàn thành phố đã tiếp hơn 14.000 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý hơn 19.000 đơn thư các loại. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thụ lý theo thẩm quyền và giải quyết đạt 93% đơn khiếu nại và 71,7% đơn tố cáo.
Truy rõ trách nhiệm
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Phạm Hải Hoa cho biết, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân có nơi, có lúc còn chưa kịp thời, để vụ việc kéo dài, tồn đọng...
Về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo thông tin, tại một số địa phương, những khiếu nại của công dân chưa được giải quyết dứt điểm thì lại phát sinh vụ việc mới. Đơn cử, huyện Mê Linh có đơn thư ở 6 xã chưa được giải quyết; huyện Mỹ Đức giải quyết xong 58 đơn thư thì lại phát sinh thêm 2 đơn thư tố cáo khác ở xã Xuy Xá và Phù Lưu Tế...
Theo thống kê của Ban Nội chính Thành ủy, toàn thành phố hiện còn 62 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp thuộc danh sách theo dõi, đôn đốc của Thành ủy. Trước tình hình này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Quá trình thực hiện phải gắn với sàng lọc cán bộ. Gương mẫu trong công tác này, đồng chí Bí thư Thành ủy đã và đang xem xét, chỉ đạo xử lý hơn 600 đơn thư do người dân gửi đến từ khi về nhận nhiệm vụ tại Thủ đô (ngày 7-2-2020), trong đó, 20 vụ việc đã có kết quả.
Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội quán triệt tinh thần sẽ chỉ đạo xử lý từng vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng với mục tiêu truy rõ trách nhiệm, làm nghiêm; không để vụ cũ chưa xong, đã nảy ra việc mới. Nếu cơ quan thanh tra chậm trễ, cơ quan kiểm tra Đảng sẽ vào cuộc. Điều đó đòi hỏi mỗi cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải vào cuộc và quyết tâm tạo bước chuyển mới cho công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
15:19, 25/05/2020
15:04, 25/05/2020
15:02, 25/05/2020