19/01/2025 | 18:30 GMT+7, Hà Nội

Rầm rộ rao bán cà phê tươi mà lại không tươi, Nutifood có đang phạm luật?

Cập nhật lúc: 01/11/2018, 07:08

Mang trong mình trọng trách đưa thương hiệu cà phê sữa đá ra thị trường thế giới, là một phần của thương hiệu Việt, được nhắc tới bên cạnh phở, áo dài hay Vovinam, phủ rộng khắp thị trường trong nước từ siêu thị tới cửa hàng tạp hóa... tất thảy, có lẽ đều đang quá nặng cho một sản phẩm cà phê đầu tay như Nuticafé.

Bước chân vào thị trường cà phê đầy biến động và cạnh tranh, biết được cái yếu của một doanh nghiệp lần đầu thử "cảm giác mạnh" với cà phê nhưng ông chủ Nutifood vẫn đau đáu giấc mơ chinh phục thị trường khó tính trong nước. Và hơn thế, như nhiều doanh nhân Việt khác, muốn khẳng định sản phẩm của mình trên trường quốc tế, hy vọng một ngày nói đến Việt Nam là bạn bè quốc tế nhắc tới Nuticafé.

Nhưng ngay từ bước đầu chinh phục thị trường nội địa, sản phẩm cà phê sữa đá tươi Nuticafé đã vấp phải sự mập mờ, không rõ ràng về tên nhãn hàng bởi người mua đang nghĩ đây là sản phẩm tươi, còn nhà sản xuất lại nói rằng đó chỉ đơn thuần là một cái tên.

Vô tình hay cố ý đẩy lỗi về phía khách hàng?

Ra mắt thị trường hồi tháng 8, Nuticafé gây ấn tượng với người dùng bởi cái tên lạ: Cà phê sữa đá TƯƠI. Đáng chú ý, nhà sản xuất đã viết in hoa chữ TƯƠI cho nhãn hàng của mình - như một lời khẳng định tươi mới, “tươi roi rói” cho sản phẩm cà phê ấp ủ bấy lâu.

Nhưng khi thưởng thức, nhiều người dùng băn khoăn vì không cảm nhận được sự khác biệt nào về độ tươi mà sản phẩm mang lại. Rồi thêm thời gian, để tỉnh táo sau cơn say cà phê, người tiêu dùng bắt đầu đặt ra câu hỏi: Thế nào là cà phê tươi? Cà phê hòa tan nhưng lại tươi? Bởi vị của Nuticafé cũng na ná các món cà phê pha sẵn đã có trên thị trường trước đó như Nescafe, cà phê G7.

Để giải đáp cho câu hỏi này, PV đã liên hệ với đại diện truyền thông Nutifood để làm rõ hơn về khái niệm TƯƠI của sản phẩm Nuticafé nhưng sau gần 1 tuần chờ đợi để “gửi câu hỏi tới bộ phận có trách nhiệm trả lời” thì phía đại diện của hãng này vẫn im lặng, chưa có hồi âm.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với Báo Đất Việt, ông Lê Nguyên Hòa - Phó Chủ tịch HĐQT công ty NutiFood cho biết, Cà phê sữa đá tươi NutiCafé là cà phê hoà tan “3 trong 1”, khi pha ra có hương vị không khác với cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường.

Vị này cho hay, người tiêu dùng có thể đang nhầm lẫn về nhãn hiệu và chất lượng thật của sản phẩm: "Đây là điều đáng tiếc, NutiFood sẽ cố gắng truyền thông cho người tiêu dùng hiểu rõ là “Cà phê sữa đá tươi NutiCafé” là nhãn hiệu, không phải là “loại sản phẩm””, ông Hòa chia sẻ.

Quảng cáo sản phẩm của mình có hương vị tươi

Quảng cáo sản phẩm của mình có hương vị "tươi giống như cà phê pha phin" nhưng đại diện Nutifood lại khẳng định TƯƠI chỉ là tên sản phẩm, không phải dùng để chỉ chất lượng sản phẩm Nuticafe.

Theo lời của vị đại diện này thì Cà phê sữa đá tươi Nuticafé không phải là cà phê TƯƠI như nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, đó chỉ là tên sản phẩm. Còn về nhãn mác, có lẽ chữ TƯƠI mà nhà sản xuất nhấn mạnh chỉ để cho đẹp thêm hay đúng hơn là đòn tâm lý vào xu hướng sống Xanh, sống khỏe, chọn đồ tươi của người tiêu dùng hiện đại.

Ông Hòa đã đưa ra một số bằng chứng thể hiện sự hợp quy của sản phẩm, đó là: "Sản phẩm này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vào cuối tháng 2/2018".

Tuy nhiên, có thể thấy, để lưu hành trên thị trường, các sản phẩm bắt buộc phải được sự cấp phép của cơ quan chức năng, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, nên tấm vé mà ông Hòa kể ra là điều đương nhiên cần có.

Vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm là sản phẩm cà phê của hãng có thực sự tươi hay không, bởi tên gọi Cà phê sữa đá tươi và ngay cả khi giới thiệu sản phẩm, Nutifood đã khẳng định sản phẩm của mình là cà phê hòa tan vị tươi ngon nhất trên thị trường. Nhưng khi được yêu cầu giải thích về sự TƯƠI thì nhà sản xuất lại lập lờ và đẩy lỗi về phía khách hàng rằng đã nhầm lẫn giữa tên gọi và chất lượng sản phẩm.

Theo Luật Quảng cáo 2012, một trong những hoạt động quảng cáo bị cấm là: Gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về khả năng cung cấp sản phẩm và dường như Nuticafé đang rơi vào trường hợp này khi cố ý “lái” suy nghĩ của người dùng về sản phẩm của mình sai lệch với chất lượng thực của sản phẩm.

Thêm vào đó, vị đại diện Nutifood đã đẩy phần lỗi về phía khách hàng trong khi đó chỉ là những người thụ động tiếp nhận các quảng cáo của sản phẩm từ nhà sản xuất. Ở vai trò là nhà cung cấp, Nutifood đã mập mờ sử dụng khái niệm TƯƠI cho sản phẩm của mình và khẳng định điều đó qua các slogan, câu từ trong hoạt động quảng cáo nên việc người mua, người dùng nhầm tưởng rằng sản phẩm cà phê của hãng này TƯƠI là điều không thể tránh được.

Nuticafe - Cà phê sữa đá TƯƠI sẽ tạo ra tiền lệ xấu?

Nói về vấn đề này, luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ: "Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là hoạt động không thể thiếu của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu họ muốn phát triển, quảng bá cho sản phẩm của đơn vị mình.

Tuy nhiên, để quản lý hoạt động quảng cáo cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hoạt động quảng cáo cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quảng cáo là Luật quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan".

Hành vi quảng cáo, gọi tên sản phẩm của Nuticafe có thể bị quy vào

Hành vi quảng cáo, gọi tên sản phẩm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng của Nuticafé đã vi phạm mục 9 trong Điều 8, Luật Quảng cáo 2012.

Ông Cường cho hay, Điều 8, Luật Quảng cáo quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó khoản 9 quy định: Nghiêm cấm việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Căn cứ quy định của Luật Quảng cáo 2012, có thể thấy hành vi quảng cáo sa đà, sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ được cung cấp là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo.

Theo vị luật sư này thì hành vi quảng cáo sai sự thật của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gây tổn hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, khiến họ tiếp nhận thông tin sai lệnh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, từ đó đưa ra các quyết định sai lầm trong việc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với chất lượng thực của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn.

Ở góc độ chuyên môn, hầu hết các chuyên gia khi được hỏi về sản phẩm cà phê sữa đá tươi của Nuticafé đều khá ngần ngừ và tỏ ra lạ lẫm về khái niệm tươi của dòng sản phẩm này.

Khi được hỏi về khái niệm cà phê tươi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, không có khái niệm tươi nào cho sản phẩm cà phê hòa tan.

Việc dùng từ "tươi" để chỉ cà phê có thể khiến nhiều người hiểu lầm, hiểu sai về một sản phẩm được làm từ hạt cà phê tươi vẫn còn chứa nước và chưa qua chế biến. Đã là cà phê qua chế biến, dù có giữ lại hương vị bằng công nghệ trích ly, cô đặc cũng không thể gọi là cà phê "tươi" được. Công nghệ cao và sản phẩm hữu cơ là hoàn toàn khác nhau.”, ông Thịnh chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk lại bày tỏ sự bức xúc về câu chuyện “cà phê tươi”.

Chia sẻ với báo Đất Việt, bà Lan tỏ ra bức xúc: “Trong khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thế nào được gọi là "cà phê tươi" nhưng nhiều hãng sản xuất đã tự công bố sản phẩm của mình là cà phê tươi để đánh vào cảm xúc người tiêu dùng, định hướng hành vi sử dụng.

"Trong những trường hợp như thế này thì doanh nghiệp được lợi, cơ quan quản lý gặp khó vì chưa có đủ tiêu chuẩn để căn cứ xác định vi phạm, xử phạt. Còn thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng khi tưởng rằng mình đang sử dụng cà phê tươi nhưng thực chất không phải là cà phê tươi", bà Lan cho hay.

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cụ thể để xác định thế nào là cà phê tươi. Do đó, khái niệm "cà phê tươi" chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào định nghĩa mà chỉ là quan niệm riêng của mỗi người.

Lập lờ trong ngôn từ quảng cáo nhưng rồi lại đẩy lỗi hiểu nhầm về phía khách hàng, mạo hiểm gọi sản phẩm của mình là "TƯƠI" nhưng rồi lại khẳng định đó chỉ đơn thuần là nhãn hiệu, không liên quan tới chất lượng của sản phẩm, Nuticafé đang đẩy khách hàng vào vòng luẩn quẩn khi nhận diện thương hiệu cũng như tiếp cận sản phẩm.

Trong bối cảnh người tiêu dùng hiện đại ngày càng thông thái và khắt khe hơn cho các sản phẩm ăn uống, chú trọng vào các sản phẩm bảo vệ sức khỏe thì việc lập lờ về khái niệm tươi cũng như chất lượng thực của sản phẩm Nuticafé đang dần làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng.

Hơn thế nữa, với cách mà đại diện Nutifood đã giải thích về sản phẩm của mình, e rằng sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những sản phẩm mà vỏ bọc và chất lượng bất nhất như Nuticafé nhưng vẫn quảng cáo "một tấc đến giời".