22/11/2024 | 04:20 GMT+7, Hà Nội

Rác thải y tế đe dọa cuộc sống của con người như thế nào?

Cập nhật lúc: 23/06/2015, 06:06

Rác thải y tế với nhiều tác hại đi kèm đang là mối lo lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Hiện nay, việc xử lý rác thải chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức.

Tràn lan rác thải y tế

Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 13.000 bệnh viện có giường bệnh và phòng khám tư nhân. Mỗi ngày, các bệnh viện thuộc tuyến trung ương thải ra khoảng hơn 7 tấn rác, bệnh viện địa phương 38 tấn rác. Cùng với đó là nguồn nước thải khổng lồ với mức độ 30.000 - 100.000m3 ở tuyến trung ương, địa phương. 

Theo TS. Từ Hải Bằng, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), kết quả kiểm tra tại các BV tuyến T.Ư cho thấy: Trong 35 BV tuyến T.Ư, chỉ có 22 BV hợp đồng với công ty môi trường đô thị xử lý chất thải rắn, còn lại 13 BV tự xử lý.

Trong đó, 7 BV khử khuẩn bằng công nghệ không đốt, còn 4 BV sử dụng với lò đốt 2 buồng hoặc 1 buồng. Việc các BV tự xử lý bằng lò đốt lại đa phần ở thành phố, nên có ảnh hưởng đến môi trường không khí của dân cư khu vực.

Chất thải y tế là chất thải từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, nghiên cứu... trong các cơ sở y tế. Chất thải y tế nếu không được thu gom, phân loại, xử lý đúng sẽ tạo nên nguy cơ cho sức khỏe và môi trường sống của con người.

Rác thải y tế độc hại.

Rác thải y tế độc hại.

Do chưa được đầu tư những hệ thống xử lý đạt chuẩn nên còn rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vi phạm quy định về xử lý rác thải.

Số liệu của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), cho biết thêm, hiện mới có 69% bệnh viện, 32% cơ sở y tế dự phòng thuê xử lý chất thải hoặc tự xử lý.

Các cơ sở còn lại đang xử lý nguồn rác thải y tế bằng cách chôn lấp, đốt thủ công… chủ yếu là những cơ sở ở vùng sâu vùng xa hoặc các trạm y tế phường xã.

 Mới có 65,3% bệnh viện, 15% hệ thống dự phòng và 50% cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống xử lý nước thải y tế. Số cơ sở y tế còn lại đang xả thẳng nguồn nước mang mầm bệnh chưa qua xử lý vào môi trường. 

Nguồn gốc phát sinh chất thải y tế

Theo Qui chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế) thì chất thải y tế là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn.

Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, rau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học ngy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ)...

Chất thải lỏng y tế nguy hại được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn (từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm, thí nghiệm...) và sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người chăm nuôi (từ các nhà vệ sinh, giặt giũ,  từ việc làm vệ sinh phòng bệnh.

Đối với nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Chất thải thông thường (hay chất thải không nguy hại) là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy nổ, bao gồm: chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly); chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế (chai , lọ thủy tinh, chai lọ huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín.

Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và các chất hóa học nguy hại); chất thải phát sinh từ các công việc hành chính (giấy , báo, tài liệu, túi nilon...); chất thải ngoại cảnh (lá cây, rác ở các khu vực ngoại cảnh).

Việc kiểm tra và xử lý rác thải y tế là rất cần thiết (ảnh minh họa)

Việc kiểm tra và xử lý rác thải y tế là rất cần thiết (ảnh minh họa)

Đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Những cá nhân phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất thải y tế nguy hại đó là: bác sĩ, y tá, hộ lý; bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú; khách tới thăm hoặc người nhà bệnh nhân; những người trực tiếp làm công việc xử lý rác thải tại các bãi đổ rác thải hay các lò đốt rác.

Những người thu gom, bới rác là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi các tác động có hại của chất thải y tế nếu như chất thải y tế không được quản lý đúng cách.

- Đối với sức khỏe: Việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm). Các vật sắc nhọn này không chỉ gây nên những vết cắt, đâm mà còn gây nhiễm trùng các vết thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh.

Như vậy những vật sắc nhọn ở đây được coi là loại chất thải rất nguy hiểm bởi nó gây tổn thưởng kép (vừa gây tổn thường, vừa gây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV...).

Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).

Nước thải bệnh viện còn là nơi "cung cấp" các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông  qua đường tiêu hóa.

Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống...

  Như vậy, nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

- Đối với môi trường: Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.

Những nguy hiểm trên là rất rõ ràng song việc triển khai đầu tư các hệ thống xử lý rác thải nhiều nằm qua vẫn rất chậm trễ. Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Trưởng phòng quản lý, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bệnh viện đốt rác thải khói bay mù trời, mùi hôi nồng nặc… người dân bức xúc vác đất đá ném vào bệnh viện để phản đối. Khi được hỏi thì bệnh viện trả lời: Tiền mua thuốc điều trị còn không đủ lấy đầu ra khoản để đầu tư cho xử lý rác thải.

 Thêm vào đó, nhân sự của lực lượng quản lý môi trường y tế vừa thiếu vừa yếu nên chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản nhưng còn thiếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn về chuyên môn… nên không thực hiện được.

Để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì ngành y tế phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế.

Người đứng đầu các cơ sở y tế cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải địa phương để xử lý tiêu hủy chất thải y tế đúng qui định.

Các nhân viên y tế cần thực hiện tốt việc thu gom, phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh chất thải và lưu giữ đúng quy định. Người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi.../.