23/04/2024 | 23:54 GMT+7, Hà Nội

Rà soát, phát triển sản phẩm chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô

Cập nhật lúc: 23/02/2021, 16:36

Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 136-TB/TU về kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Sở Du lịch và ngành Du lịch.

Theo đó, về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Du lịch, ngành Du lịch và các đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, cần rà soát lại toàn bộ các nội dung, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TU: Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường, rà soát bổ sung quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xác định thương hiệu du lịch Thủ đô; nêu rõ những nội dung đã làm được, chưa làm được; nguyên nhân chủ quan, khách quan cụ thể để từ đó đề ra các giải pháp và xây dựng chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đó, tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (hoặc kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU) để thực hiện cơ cấu lại toàn diện ngành Du lịch với mục tiêu ưu tiên phát triển du lịch bền vững và du lịch nội địa, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh chưa được khống chế thì ưu tiên phát triển du lịch nội địa. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Thủ đô là trung tâm phân phối khách của khu vực phía Bắc và cả nước ở cả hai chiều đưa khách đi và đón khách đến, xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc trưng để tăng lượng khách du lịch quốc tế, khách nội địa đến và lưu trú tại Thủ đô lâu hơn.

Chuẩn bị sẵn các nguồn lực về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, sản phẩm du lịch, nhân lực làm du lịch... để khi các điều kiện đi lại được bình thường hóa, ngành du lịch có thể sớm phục hồi và phát triển; hỗ trợ khảo sát, xây dựng và kết nối các điểm đến du lịch thành các tour, tuyến du lịch liên kết; tăng cường quảng bá, tuyên truyền về du lịch; xây dựng gói sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện) nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.

Rà soát, phát triển sản phẩm chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô
Rà soát, phát triển sản phẩm chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi, các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý để phục hồi hoạt động kinh doanh; thực hiện đồng bộ các hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung vào phân khúc nội địa, đặc biệt trong đó, phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau, tạo ra sản phẩm mới có tính kết nối, liên kết và có chất lượng.

Xây dựng đề án chuyển đổi số trong du lịch và ngành du lịch, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch; tiếp tục thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung.

Đối với kế hoạch du lịch năm 2021, trên cơ sở kế hoạch giai đoạn 2021-2025, cần xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển ngành du lịch kể cả xây dựng các kịch bản cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để đạt được mục tiêu “kép”, với tinh thần tận dụng cơ hội, biến thách thức thành cơ hội. Tập trung cơ cấu lại, đổi mới môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp và sản phẩm du lịch gắn với tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng.

Cùng với đó, hoàn thành các quy hoạch, dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm để các ngành, các cấp có căn cứ triển khai các loại hình du lịch phù hợp. Đẩy mạnh xã hội hóa và kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Hà Nội nhằm phát triển giá trị gia tăng ngành hàng lưu niệm và ngành du lịch của thành phố.

Lập và công bố danh mục cụ thể về kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, sự kiện du lịch hoặc chuỗi các hoạt động mang đậm dấu ấn của Thủ đô tầm cỡ quốc tế dự kiến tổ chức trong năm 2021 như tổ chức các sự kiện trước, trong và sau SEA Games 31, Festival, Đại sứ du lịch, Tiếng hát truyền hình, Lễ hội áo dài... để thu hút khách du lịch đến Hà Nội, gắn các hoạt động du lịch với dịch vụ và thương mại.

Sửa chữa, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các công trình di tích lịch sử, bảo tàng, làng nghề truyền thống, khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng... để đẩy mạnh các tour du lịch nội địa ngắn ngày trong thành phố, các tour du lịch phục vụ ngay chính du khách Hà Nội, du lịch học đường kết hợp giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, du lịch đường sông, du lịch ẩm thực (hình thành các khu ẩm thực, làng ẩm thực tại một số tuyến, không gian phù hợp với du khách).

Cải tạo chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế đô thị các trục du lịch, các trung tâm du lịch lớn của thành phố để tạo sự kết nối giữa ngành Du lịch với các ngành văn hóa, công thương, giao thông. Phấn đấu năm 2021, chỉ tiêu đón số lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội đạt 70% so với số đạt được của năm 2019. Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển du lịch.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ra-soat-phat-trien-san-pham-chat-luong-cao-gan-voi-thuong-hieu-du-lich-thu-do-228900.html