21/01/2025 | 19:15 GMT+7, Hà Nội

Quý I đáng buồn của các “ông lớn” ngành xây dựng

Cập nhật lúc: 09/05/2023, 13:45

“Môi hở thì răng lạnh”, việc thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn khủng hoảng đã khiến cho các “ông lớn” ngành xây dựng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh buồn bã.

Những gam màu u ám

Những người trong ngành xây dựng ắt hẳn sẽ còn lưu luyến những gì xảy ra một năm về trước. Quý I/2022, sau 2 năm vật vã vì dịch bệnh, các doanh nghiệp xây dựng đã hồ hởi trở lại đường đua tăng trưởng khi liên tục xác lập những kỷ lục về doanh thu theo quý trong nhiều năm. Chẳng hạn Hoà Bình (HoSE: HBC) ghi nhận doanh thu thuần 2.893 tỷ đồng - là doanh thu quý I cao nhất tính từ năm 2020. Tương tự, Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) đạt doanh thu 1.488 tỷ đồng, là doanh thu quý I cao nhất kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, quý I lại là bức tranh tương phản khi hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều chứng kiến kết quả kinh doanh bết bát, gần như lại trở về vạch xuất phát. Khảo sát của PV đối với 10 doanh nghiệp xây dựng lớn đang niêm yết và công bố thông tin (CTD, HBC, HTN, PHC, FCN, Ricons, VCG, CC1, HAN, VGV) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp này chịu cảnh suy giảm mạnh về mặt doanh thu.

Đầu tiên phải nhắc đến HBC, sau quý IV “đáng quên” vừa qua, doanh thu quý I/2023 tiếp tục đi xuống 60% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ còn 1.194 tỷ đồng. Thêm vào đó, HBC lại còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 202 tỷ đồng. Đáng buồn không kém là Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) khi doanh thu sụt giảm 71%, chỉ còn 428 tỷ đồng, hay Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) ghi nhận doanh thu giảm 17%, còn 346 tỷ đồng.

Tương tự, Ricons cũng chứng kiến doanh thu giảm 14%, còn 1.718 tỷ đồng, do hai mảng cốt lõi đều suy yếu: Doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 12%; doanh thu hoạt động đầu tư đạt 16 tỷ đồng, giảm 78%.

Cùng chung cảnh ngộ, nhóm doanh nghiệp khác như: Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1), Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (UPCoM: VGV) cũng rơi vào cảnh sụt giảm mạnh về doanh số. Như VGV, doanh thu thuần quý này chỉ đạt 82 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Còn doanh thu của HAN còn 170 tỷ đồng, giảm 53%. CC1 cũng ghi nhận doanh thu giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, còn 546 tỷ đồng.

Không chỉ lao dốc về mặt doanh thu, lợi nhuận quý I cũng là câu chuyện đáng buồn với các “đại gia” xây dựng trên. Thất vọng nhất là HBC khi quý này báo lỗ trước thuế 442 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 19 tỷ đồng - là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp trong lịch sử doanh nghiệp.

Cùng chung nỗi buồn thua lỗ là HTN. Quý I/2023, doanh nghiệp này lỗ trước thuế 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 54 tỷ đồng - đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết.

Thị trường bất động sản vẫn trong thời kỳ khủng hoảng khiến cho các “ông lớn” trong ngành xây dựng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh buồn bã. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)
Thị trường bất động sản vẫn trong thời kỳ khủng hoảng khiến cho các “ông lớn” trong ngành xây dựng tiếp tục trải qua một quý kinh doanh buồn bã. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Không đến nỗi bi đát như HBC và HTN, song các doanh nghiệp xây dựng khác cũng rơi vào cảnh lợi nhuận giật lùi như: Ricons, CC1, HAN, VGV, PHC… Chẳng hạn với Ricons, quý I/2023 chỉ lãi trước thuế vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, giảm 62% - thấp nhất kể từ sau quý I/2020. Hay HAN cũng chỉ có lãi trước thuế 551 triệu đồng, giảm 87%; VGV lãi trước thuế 2,7 tỷ đồng, giảm 57%,…

Trong nhóm doanh nghiệp được khảo sát, đơn vị hiếm hoi được hưởng niềm vui trọn vẹn là Fecon (HoSE: FCN) khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Quý này, doanh thu thuần của FCN đạt 609 tỷ đồng, tăng trưởng 21% và lãi trước thuế 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại dựa trên nền so sánh thấp về doanh thu và khoản lỗ của quý I năm trước. Còn nếu so với quy mô vốn chủ (3.495 tỷ đồng), đây có thể xem là mức lợi nhuận “bé hạt tiêu”.

Không được trọn vẹn như FCN, hai ông lớn Vinaconex (HoSE: VCG) và Coteccons (HoSE: CTD) chỉ có doanh thu tăng trưởng còn lợi nhuận suy giảm. Cụ thể, quý I vừa qua, CTD gặt hái 3.130 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên lãi sau thuế lại giảm 24%, còn 22 tỷ đồng. Còn VCG có 1.965 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47%, chủ yếu nhờ nguồn thu hoạt động xây lắp tăng 55% lên 1.377 tỷ đồng. Song, lãi sau thuế lại giật lùi 98%, so với khoản lãi 780 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, còn vỏn vẹn 19 tỷ đồng.

Cháy thành lây vạ

Có thể lý giải tình hình kinh doanh ảm đảm quý I của các doanh nghiệp xây dựng trên là do thị trường bất động sản vẫn đang chìm trong khủng hoảng, hầu hết các dự án vẫn trong quá trình hoàn thiện pháp lý khiến số lượng đơn hàng vốn đã ít lại càng khan hiếm.

Hệ quả các nhà thầu lao vào cuộc đua cạnh tranh bằng giá để giành giật đơn hàng. Tình trạng làm với lợi nhuận siêu mỏng, làm hoà vốn, thậm chí làm dưới giá vốn trở nên hết sức phổ biến. Cùng với đó, biến động giá nguyên vật liệu khiến giá vốn tăng cao, làm biên lợi nhuận gộp suy giảm.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng phải vật lộn với chi phí tài chính, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vẫn neo cao. Trao đổi với PV, CEO một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết, hầu như lợi nhuận có được hay không phụ thuộc vào việc tiết kiệm được bao nhiêu chi phí tài chính.

“Dù thời gian qua mặt bằng lãi suất đã hạ xuống tuy nhiên vẫn tương đối cao so với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Hầu hết các nhà thầu hiện nay làm để trả chi phí cho ngân hàng là chính”, vị CEO này cho biết.

Với tình hình kinh doanh ảm đạm, các doanh nghiệp xây dựng chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023, nhất là khi thị trường bất động sản - nguồn hàng chính, vẫn đang chìm đắm trong cơn khủng hoảng chu kỳ 10 năm và tình trạng nợ đọng vẫn diễn ra tràn lan, đe doạ tới dòng tiền hoạt động của các nhà thầu, vốn đã chẳng mấy dư dả.

“Thị trường xây dựng có thể phải từ quý III trở đi mới có những chuyển biến tích cực hơn”, vị CEO dự báo. Trong bối cảnh đó, CEO này cũng kỳ vọng, Chính phủ cần có nhiều cơ chế chính sách tốt hơn để hỗ trợ các nhà thầu như: Đẩy mạnh đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch; Xem xét lại định mức đơn giá áp dụng cho các dự án ngân sách hiện đang quá thấp không còn phù hợp với hiện tại; Tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI vì dòng tiền từ các dự án có yếu tố nước ngoài rất tốt, có thể giải quyết nguồn việc và dòng tiền ngay cho các doanh nghiệp xây lắp tham gia vào thị trường này.../.

Nguồn: https://reatimes.vn/quy-i-dang-buon-cua-cac-ong-lon-nganh-xay-dung-20201224000019365.html