Quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước
Cập nhật lúc: 08/04/2023, 18:30
Cập nhật lúc: 08/04/2023, 18:30
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hằng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
CPI tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
So với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).
Về thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính đã theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra về phòng, chống dịch.
Giá xăng, dầu được Liên Bộ Công Thương-Tài chính điều hành nhất quán, đúng quy định thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thường (chủ trì) thực hiện 8 kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo giá mặt hàng xăng và dầu mazut tăng từ 3-5%, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa giảm từ 13 - 14%.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài Chính, về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31/03/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.064,64 điểm, tăng 3,9% so với cuối tháng trước và tăng 5,7% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 207,5 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng trước và tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 31/03/2023 đạt 5.474 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022, tương đương 57,5% GDP ước tính năm 2022.
Về thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2023, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 97,1% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng). Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10/3/2023, mặt bằng lãi suất giao dịch TPCP có xu hướng giảm và nhu cầu mua TPCP tăng cao trở lại (tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3/2023 đạt 3,39 lần, tỷ lệ này trong tháng 02/2023 là 2,99 lần).
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong quý I, khối lượng TPDN đã phát hành được 24.708 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 06/03/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%. Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-i2023-cpi-tang-418-so-voi-cung-ky-nam-truoc-331230.html
13:21, 28/03/2023
13:57, 14/02/2023
18:33, 27/08/2022
06:15, 30/05/2022