23/11/2024 | 06:39 GMT+7, Hà Nội

Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh

Cập nhật lúc: 19/06/2023, 13:54

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhằm phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận; 17 huyện; 11 thị xã.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84 km2, số liệu diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. (Ảnh minh họa)
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Quyết định đề ra việc nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD (Transit Oriented Development) tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay quốc tế thứ 2 của vùng Thủ đô tại Hà Nội.

Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà. Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.

Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.

“Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp)", Quyết định nêu rõ.

Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030 quy mô dân số dự kiến khoảng 11,41 - 11,95 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người. Dự kiến đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội có khoảng 13,74 - 14,6 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 12,5 - 13,2 triệu người.

Về quy mô đất đai, dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 110.000 - 120.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 34.000 - 35.000 ha. Dự kiến đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 -  135.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 30.000 - 34.000 ha.

TP.Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh chung của cả nước là khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tác động trực tiếp tới các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã quyết tâm cao, hành động quyết liệt; bám sát, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố; đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công phòng, chống dịch COVID-19; phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, và đạt được những kết quả tương đối toàn diện, tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2022, GRDP tăng trưởng 8,89%.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người (tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020) bình quân tăng 7,07%/năm...

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-phat-trien-thu-do-ha-noi-tro-thanh-do-thi-hien-dai-thong-minh-78320.html