19/01/2025 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

Quản xe công nghệ như taxi truyền thống sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh?

Cập nhật lúc: 24/10/2018, 07:00

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống sẽ không phù hợp, ảnh hưởng rất xấu tới môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành vận tải trong thời kỳ hội nhập.

Liên quan đến đề xuất quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống đang gây xôn xao dư luận, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng, một số điểm bất hợp lý trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ nếu không được chỉnh sửa thì sẽ không phù hợp, ảnh hưởng rất xấu tới môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành vận tải trong thời kỳ hội nhập.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng.

Theo ông Hùng, dù Bộ GTVT đã có thời gian 3 năm soạn thảo, được rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, nhà báo, chuyên gia về GTVT đóng góp ý kiến, với 5 lần tiếp thu chỉnh sửa nhưng bản dự thảo Nghị định lần thứ 6 vừa ban hành vẫn có nhiều lỗ hổng, không thể xử lý được nạn “xe dù, bến cóc” và xe hoạt động trá hình nhằm lách luật trốn thuế để lập lại trật tự văn minh trong lĩnh vực vận tải ở nước ta.

Cụ thể, ông Hùng phân tích, Luật Giao thông đường bộ có 5 loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả 5 loại hình chứ không thể chỉ quy định việc áp dụng đối với 2 loại hình vận tải hợp đồng và du lịch như dự thảo hiện nay.

“Đây là điều không hợp lý, không công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng. Thực tế đã chứng minh do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm, đồng thời, các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, “bảo kê” cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông”, ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do phương tiện và người lái xe không chấp hành nghiêm pháp luật, như vụ xe chở khách hoạt động “chui”, gây tai nạn làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam vào tháng 7/2018 vừa qua.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhấn mạnh, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử...

Đối với xe taxi, theo ông Hùng, hiện nay có một số ý kiến cố tình đánh tráo khái niệm, cho rằng xe ô tô chở khách hoạt động kiểu Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử. Nhưng thực tế, theo Tòa án Công lý Châu Âu, ý kiến của Bộ Tư pháp cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định, thực chất đó là xe taxi điện tử vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại này qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải.

“Có ý kiến bao biện rằng, nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, như vậy là rất vô lý vì việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, ông Hùng nêu quan điểm.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đề nghị giao trách nhiệm cho Bộ Công an triển khai đưa biển kiểm soát xe kinh doanh có màu riêng để phân biệt, quản lý công bằng, minh bạch, không lẫn lộn với xe cá nhân.

Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa.

Trong khi đó, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa lại cảnh báo, nếu “ép” các loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải truyền thống nghĩa là sẽ chấm dứt thời kỳ người tiêu dùng được đi xe giá rẻ bởi nếu hoạt động như các hãng truyền thống, các loại hình taxi công nghệ sẽ phải chi phí cho nhiều thứ như quản lý, chi phí trả lương cho lái xe, thuê mặt bằng để hoạt động… Và tất cả những chi phí ấy sẽ được tính vào giá thành, khiến giá cao lên, dần dần sẽ không còn là lựa chọn của người tiêu dùng nữa.

Ông Hoà cho rằng, cần có luật riêng để quản lý những loại hình như Grab, nhưng phải theo hướng đón đầu về công nghệ, chứ không phải lại đi lấy cái cũ để áp vào cái mới, cái phát triển.

“Thời đại công nghệ, chỉ công nghệ mới quản được công nghệ”, ông Hòa nói.