29/03/2024 | 15:38 GMT+7, Hà Nội

Chủ động xây dựng phương án duy trì sản xuất trong trường hợp KCN bị phong tỏa

Cập nhật lúc: 22/07/2021, 06:26

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội yêu cầu công đoàn các KCN và chế xuất trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly và ổn định sản xuất.

Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội diễn biến phức tạp, 2 ổ dịch có các ca mắc mới, ổ dịch tại Đông Anh có nguy cơ cao do F0 làm việc tại khu công nghiệp (KCN), tiếp xúc nhiều người; ổ dịch tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long tiếp tục xuất hiện các ca dương tính.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại các KCN, khu chế xuất phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút.

Chủ động xây dựng phương án duy trì sản xuất trong trường hợp khu công nghiệp bị phong tỏa
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, lúc cao điểm, có trên 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần 50.000 người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, nghỉ luân phiên.

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 tại các KCN là do đặc điểm các KCN thường thu hút lực lượng lao động đông đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, thuận tiện cho dịch bệnh lây nhiễm.

Trong khi đó, phần lớn người lao động ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ dành cho công nhân do tư nhân xây dựng và quản lý, cho nên diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng thường đông, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này rất cao.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động thành phố đã yêu cầu công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội chủ động phối hợp với chủ đầu tư, người sử dụng lao động trong các khu, cụm công nghiệp xây dựng phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy làm nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội chủ động phối hợp với UBND và Liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội và các đơn vị liên quan nắm chắc cư trú, di biến động của người lao động trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động thuộc diện cách ly tập trung tại doanh nghiệp do có ca mắc mới trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tham gia giám sát quản lý các hoạt động đưa đón, di chuyển hằng ngày của công nhân, người lao động, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch, không để phát sinh các ca mới.

Liên đoàn Lao động thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động Thủ đô gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại.

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/chu-dong-xay-dung-phuong-an-duy-tri-san-xuat-trong-truong-hop-khu-cong-nghiep-bi-phong-toa-170683.html