19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Phóng viên tác nghiệp “thời... Covid-19”

Cập nhật lúc: 22/06/2020, 16:49

Hơn 20 năm trước, khi còn là một cô bé học PTTH, qua những tờ báo tuổi học trò tôi đã dần hình thành tình yêu lớn với “nghề làm báo”. Tình yêu đó lớn dần lên khiến tôi nung nấu quyết tâm thi đại học chuyên ngành Báo chí.

Hơn 20 năm trước, khi còn là một cô bé học PTTH, qua những tờ báo tuổi học trò tôi đã dần hình thành tình yêu lớn với “nghề làm báo”. Tình yêu đó lớn dần lên khiến tôi nung nấu quyết tâm thi đại học chuyên ngành Báo chí. Với kết quả thi có tới 3 sự lựa chọn, đương nhiên tôi chọn học ngay ngành mình say mê-mặc cho ông bà, bố mẹ khuyên theo ngành khác.

Trải qua 4 năm theo học tại khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, tình yêu nghề trong tôi lại càng thêm mãnh liệt. Cho đến tận bây giờ, khi trải qua gần 20 năm gắn với nghề “phu chữ”, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao mình đã luôn say sưa, mong muốn gắn với nghề làm báo đến như vậy.

Khi còn học trên giảng đường đại học, các thầy cô thường nói “Nghề báo là một nghề nhọc nhằn trên bàn viết, một nghề khổ sai”; người làm báo như “phu chữ” hàng ngày cày trên cánh đồng chữ... Bước chân vào làm nghề tôi càng thấm thía những điều này. “Vốn liếng” của người làm báo như tôi không có gì nhiều hơn con chữ. Quá trình thu thập, khai thác thông tin, xử lý thông tin và đến công đoạn viết bài vẫn là dùng đến câu từ, chữ nghĩa. Bài hay, bài tốt hay chưa tốt đều phụ thuộc vào sự “vận công” suy nghĩ để chọn câu, từ cho hay, cho “đắt”.

Có thể với một số công việc khi hết giờ hành chính là có thể “buông”, không phải suy nghĩ nhiều. Nhưng với nghề làm báo, giới hạn thời gian làm việc không tồn tại. Phóng viên phụ trách mảng thời sự có thể vào cuộc bất cứ lúc nào khi có sự việc nóng xảy ra. Hoặc nhiều khi để xây dựng bài viết về một nhân vật hay một tuyến bài chúng tôi phải suy nghĩ “ngoài giờ” về ý tưởng cho nhân vật, cho tuyến bài. Thậm chí, có những khi, trong giấc ngủ tôi vẫn chập chờn ý tưởng cho đề tài mình sắp triển khai. Vì thế, quả thật nói nghề viết báo là nghề “phu chữ” cũng rất đúng.

PV tác nghiệp tại Đồn biên phòng Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: V.H

Nhưng ở một góc độ khác, quá trình tác nghiệp cũng mang đến cho người làm báo như tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Gần đây nhất là kỷ niệm tác nghiệp về dịch Covid-19, đặc biệt là trong thời gian cao điểm. Tôi vẫn nhớ buổi chiều 6-3, sau khi vừa tan cuộc họp cuối giờ chiều của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, vừa về tới nhà, chúng tôi đã được thông báo cuộc họp khẩn trong đêm về bệnh nhân đầu tiên của Hà Nội.

Lúc đó, thông tin chính thống chưa có nhưng tràn ngập khắp các diễn đàn là thông tin về thân nhân, hành trình di chuyển của bệnh nhân; tình hình cách ly khu vực bệnh nhân sinh sống… khiến tất cả đều cuống quýt, sục sôi. Làm báo, chúng tôi cũng có những áp lực nhất định làm sao để cung cấp thông tin kịp thời nhưng cũng đảm bảo chính xác, không làm rối thêm tình hình vì thông tin không cần thiết.

Trong trạng thái ấy, chúng tôi hối hả tiếp nhận, xử lý thông tin. Tin đẩy lên hệ thống cũng là lúc chuẩn bị chuyển sang ngày mới. Phóng viên y tế, nội chính đã có “đêm trắng” không hề mong muốn nhưng đáng nhớ.

Những ngày sau đó là quãng thời gian “căng như dây đàn” theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Đồng thời với tham gia các cuộc họp khẩn, họp định kỳ (2 ngày/buổi) của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tôi cập nhập thông tin tình hình dịch bệnh trên cả nước. Khái niệm giờ giấc với tôi lúc đó dường như không tồn tại. Dự ca họp buổi sáng có thể kết thúc lúc 12g30 nhưng bữa cơm trưa đến tận 24g30 mới bắt đầu; ca họp chiều có lúc kết thúc vào 19g30 thì bữa tối của chúng tôi bắt đầu lúc 21g, thậm chí có buổi tận 22g.

Với trọng trách của người đưa tin, chúng tôi không thể ăn, nghỉ theo giờ mà phải xử lý thông tin gửi về tòa soạn để kịp thời cung cấp những thông tin nóng hổi, chính xác tới độc giả. Đồng thời chuyển tải đầy đủ các thông điệp, khuyến cáo, chỉ đạo của TP cũng như các cơ quan chức năng tới cộng đồng nhằm thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, không hoang mang và có sự đồng lòng, chung tay với chính quyền trong phòng dịch.

Cũng trong khi tác nghiệp về dịch Covid-19, tôi đã có dịp được nghe những bác sỹ tuyến đầu chống dịch, những tình nguyện viên dấn thân vào vùng có nguy cơ lây nhiễm để chung tay phòng dịch. Trong số họ, tôi biết có nhiều người phải xa gia đình vài tháng để phục vụ công tác điều trị; có những người làm công tác ở cơ sở sau mỗi lần đi lấy mẫu lại tự cách ly tại trạm y tế vì sợ về nhà lây cho vợ/chồng, con; có nhiều tình nguyện viên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã mang tinh thần “tự nguyện” - tên bài hát của tác giả Trương Quốc Khánh - PV- vì cộng đồng.

Tất cả sự hi sinh, sự đóng góp của họ đều khiến tôi cảm phục, trân quý. Đó thực sự là những điểm sáng lấp lánh khiến tôi có niềm vui, niềm tin/yêu trong quãng thời gian tác nghiệp về tình hình dịch bệnh với các thông tin ca bệnh dồn dập. Và vui hơn là với “vốn liếng” câu chữ của mình, tôi đã có thể bày tỏ được tình cảm đó thông qua các bài viết của mình.

Không chỉ có vậy, trong suốt thời gian làm báo, tôi đã có điều kiện đi một số nơi, tiếp xúc với nhiều người, chứng kiến nhiều sự việc, số phận khác nhau. Mỗi sự việc, con người đều mang đến cho tôi thêm cách nhìn nhận đa dạng về cuộc sống. Có lẽ vì những điều như thế mà tôi đã và vẫn luôn say sưa, yêu thích nghề báo cho đến tận bây giờ cho dù xã hội đã có nhiều thay đổi.