19/01/2025 | 06:59 GMT+7, Hà Nội

Phát triển thị trường tài chính, tiêu dùng: Cần một hành lang pháp lý linh hoạt

Cập nhật lúc: 24/09/2015, 14:55

Sự góp mặt các công ty tài chính đã và đang giúp hàng triệu khách hàng trong số nhiều người dân Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại có cơ hội được tiếp cận với những khoản vay phù hợp, thủ tục giải ngân nhanh gọn và không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia tài chính, để thị trường này phát triển, cần sớm xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt để tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển.

Linh hoạt cho vay

Thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng (khoảng 5,2% GDP) vào năm 2013.

Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm khoảng 7%-20% GDP… Ở châu Á, Malaysia cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 24% GDP.

Những số liệu trên cho thấy, khu vực tài chính tiêu dùng dù là hoạt động còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam nhưng hiện đang nhận được sự quan tâm của công chúng cũng như của cơ quan quản lý. Tín dụng tiêu dùng đã và đang đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân cho sinh hoạt tiêu dùng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.

Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng và tín dụng truyền thống có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt. Tín dụng truyền thống có khách hàng chủ yếu cho các doanh nghiệp vay với mục đích sản xuất kinh doanh, thực hiện các chính sách cho vay để phát triển kinh tế, xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, cho cá nhân vay phục vụ đời sống như mua nhà, ô tô, có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập...

Trong việc cấp tín dụng cho các đối tượng nêu trên, bên cấp tín dụng đều yêu cầu khách hàng chứng minh được đầy đủ khả năng trả nợ hoặc một phương án vay có hiệu quả được bên cho vay đánh giá một cách thận trọng và qua nhiều cấp xét duyệt.

Lãi suất cho vay cũng được xác định vào khả năng thu hồi vốn và cũng mang tính cạnh tranh giữa các nhà cấp tín dụng.

Ngược lại, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính lại chú trọng cung cấp dịch vụ cho mọi cá nhân có nhu cầu mua sắm tài sản, dịch vụ cụ thể với giá trị nhỏ, thông thường nằm trong khoảng từ 10 đến 70 triệu đồng.

Các công ty tài chính không cấp tín dụng đối với mục đích sản xuất kinh doanh. Thời hạn giải ngân cho các khoản vay tiêu dùng tại công ty tài chính thường rất nhanh, đáp ứng ngay nhu cầu mua sắm tiêu dùng của mỗi khách hàng.

Tương tự như tín dụng truyền thống, lãi suất cho vay của tín dụng tiêu dùng cũng được xác định vào khả năng thu hồi vốn và cũng mang tính cạnh tranh giữa các nhà cấp tín dụng.

Một điểm khác biệt lớn khác nữa giữa tín dụng truyền thống và tiêu dùng chính là việc nguồn vốn huy động của các Ngân hàng thương mại truyền thống thường là từ người gửi tiển, có lãi suất thấp hơn.

Trong khi đó các công ty tài chính không được huy động vốn từ dân cư mà phải đi vay lại từ các NHTM, các tổ chức khác  nên lãi suất vốn đầu vào thường cao hơn. Một nhân viên tín dụng ở các NHTM truyền thống có thể quản lý đến chục hồ sơ vay nên có thể nắm rõ tình hình từng khách hàng, diễn biến trong hoạt động kinh doanh…

Song với tín dụng tiêu dùngthường số lượng khách hàng vay rất lớn, trong khi quy mô khoản vay nhỏ, một nhân viên có thể quản lý đến hàng trăm khách hàng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý, xử lý thu hồi nợ là một con số cố định và rất cao so với khoản lãi thu được.

Chính vì vậy, các công ty tài chính thường áp dụng mức lãi suất tối thiểu dựa trên tính toán về các mức chi phí hoạt động và chi phí vốn, sau đó điều chỉnh lãi suất cho vay theo kết quả  chấm điểm mức độ tín nhiệm đối với khách hàng.

Nói cách khác là khách hàng đáp ứng càng nhiều điều kiện thì lãi suất vay càng thấp.

Các công ty tài chính đã và đang giúp hàng triệu khách hàng trong số nhiều người dân Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại có cơ hội được tiếp cận với những khoản vay phù hợp, thủ tục giải ngân nhanh gọn và không cần thế chấp tài sản. Ảnh minh họa.

Các công ty tài chính đã và đang giúp hàng triệu khách hàng trong số nhiều người dân Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại có cơ hội được tiếp cận với những khoản vay phù hợp, thủ tục giải ngân nhanh gọn và không cần thế chấp tài sản. Ảnh minh họa.

Linh hoạt quản lý

Theo các chuyên gia tài chính, để quản lý và phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành các nhóm quy định khác nhau gồm: Nhóm quy định dựa trên sản phẩm, Nhóm quy định dựa trên nhà cung cấp và Nhóm quy định dựa trên việc minh bạch thông tin.

Đặc biệt là các quy định về việc cung cấp thông tin cho người đi vay để họ có thể ra quyết định chính xác về khoản vay cũng như hợp đồng tín dụng được các nước áp dụng nhiều nhất.

Tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng bắt đầu hình thành từ năm 2009 và cho đến nay, số lượng công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này còn rất ít nên cần có chính sách phù hợp để tạo nên một thị trường tài chính năng động.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này cần sớm xây dựng khung pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, trong đó phải tách biệt với hệ thống quy định điều chỉnh đối với NHTM, tạo điều kiện để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách phù hợp để giúp giảm chi phí đầu vào cho các khoản vay tiêu dùng. Trong đó, cần có cơ chế để giảm chi phí thu thập thông tin tín dụng khách hàng do lượng khách hàng của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là rất lớn.

Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để chuẩn hoá và cập nhật dữ liệu công dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi  cho các tổ chức tín dụng nói chung và Công ty tài chính tiêu dùng nói riêng.

Một trong những vấn đề nhằm quản lý linh hoạt thị trường tín dụng tiêu dùng là việc bổ sung chế tài xử lý các hình thức niêm yết lãi suất cho vay không minh bạch trên thị trường để bảo đảm quyền lợi cho các công ty tuân thủ nghiêm túc pháp luật, cũng như bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Đặc biệt, mức độ giám sát đối với các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần phù hợp hơn, qua đó vừa đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ thị trường phát triển và mang lại những lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng./.