Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường
Cập nhật lúc: 23/06/2019, 12:00
Cập nhật lúc: 23/06/2019, 12:00
Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình bày Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và Chương trình hành động của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Lê Bộ Lĩnh - Chuyên gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng trình bày về Chương trình phối hợp nghiên cứu, tư vấn và giám sát chính sách khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.
Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua ngày 22/10/2018.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt được cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành văn hóa sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Biển và hải đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về kinh tế biển.
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. |
Về nguồn lợi hải sản và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam, đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo.
Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Năm 2015, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt trên 3 triệu tấn; trong 7 tháng đầu năm 2016, con số này đã đạt trên 1,8 triệu tấn.
Biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước. Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế biển - Ảnh minh họa. |
Theo Tiến sĩ Tạ Đình Thi - Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra, phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về biển, đảo; kiện toàn tổ chức nhằm hiện thực hóa nguyên tắc quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo đã đề ra. Thực hiện tốt việc quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, nhằm bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Thực hiện cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, sẽ tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường biển, tránh lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng.
Việt Nam có hơn 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện cả nước có đến 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc. Với những đặc điểm trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về tài nguyên biển. |
14:20, 20/06/2019
02:00, 19/06/2019
01:01, 19/06/2019