19/01/2025 | 06:01 GMT+7, Hà Nội

Phát triển hệ thống thương mại Thủ đô hiện đại

Cập nhật lúc: 04/08/2020, 17:18

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm giao thương của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó việc tập trung phát triển hệ thống thương mại...

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm giao thương của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó việc tập trung phát triển hệ thống thương mại văn minh, hiện đại được chú trọng nhằm mang đến một không gian mua sắm hấp dẫn và thân thiện với môi trường.

Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên) là điểm mua sắm, vui chơi quen thuộc của người dân Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Quang

Mô hình mua sắm hiện đại

Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, thực hiện chủ trương của Tập đoàn BRG, Hapro đã, đang tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart áp dụng mô hình Home & Food. Các siêu thị bày bán đa dạng trên 10.000 mặt hàng chất lượng cao. Trong năm 2020, tổng công ty đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công một số dự án trung tâm thương mại mang thương hiệu Hapro Shopping Center, Hapro Shopping Mall, các chợ đầu mối của tổng công ty; nghiên cứu phát triển chuỗi cửa hàng chuyên doanh dịch vụ ăn uống mang thương hiệu Hapro Bốn Mùa và chuỗi các cửa hàng chuyên doanh khác của tổng công ty...

Tương tự, Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông (thuộc hệ thống Aeon Mall của Nhật Bản) đã trở thành cái tên quen thuộc với người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ. Điểm thu hút của Aeon Mall là tổ hợp các khu vui chơi giải trí, ăn uống, xem phim và mua sắm với nhiều mặt hàng, dịch vụ đa dạng.

Sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô những năm gần đây. Hiện, thành phố có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, trên 800 điểm kinh doanh trái cây an toàn; trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng tạp hóa trên các tuyến phố; 128 chuỗi kinh doanh thực phẩm, 455 chợ…

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, tổ 39, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, được trưng bày trong không gian hiện đại, sạch sẽ, đội ngũ nhân viên tư vấn chu đáo…; hệ thống bán lẻ của thành phố giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, yên tâm khi đi mua sắm”.

Tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp

Đến mua sắm tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng được tự do lựa chọn sản phẩm dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng phong phú, chất lượng bảo đảm. Vì thế, việc đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo ra phương thức mua sắm hiện đại, văn minh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Big C... đều có các chính sách khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, tăng cường sử dụng túi bằng chất liệu có thể tái sử dụng, bán các loại túi sinh học dễ phân hủy với giá phải chăng để góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ tạo nên môi trường mua bán văn minh, hiện đại mà còn góp phần tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp trong cộng đồng.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Aeon Mall, Vinmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn..., được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, các cấp, ngành và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết.

Theo Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 24-5-2018 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai phát triển thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện ích; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Để hoàn thành mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp như dành quỹ đất hợp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trong quá trình sắp xếp lại nhà đất, di dời trụ sở cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp trong nội đô; hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp các dự án hạ tầng thương mại đang hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án liên quan đến lĩnh vực này...

Cùng với đó, thành phố tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng như 4 trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Tập đoàn Semaris (Pháp) chuẩn bị cho dự án chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm… Tất cả những nỗ lực, đóng góp trên sẽ góp phần xây dựng hệ thống thương mại Thủ đô hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng.