21/11/2024 | 15:56 GMT+7, Hà Nội

Phát triển đô thị và thị trường BĐS Long An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030

Cập nhật lúc: 12/07/2024, 11:22

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Sở Xây dựng tỉnh Long An đã chính thức hoàn thành Báo cáo nghiên cứu: "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Ngày 11/7/2024, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Sở Xây dựng tỉnh Long An đã chính thức hoàn thành Báo cáo nghiên cứu: "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Trong Báo cáo, các chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã khẳng định, những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, đồng thời luôn là một trong những tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã xác định: Đô thị tỉnh Long An được tiếp cận theo hướng đô thị bền vững, sinh thái và thông minh. Một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 được xác định là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã đề ra 3 chương trình đột phá, trong đó có chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Qua khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), trong định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An, để Công nghiệp - Xây dựng đạt mục tiêu chiếm tới 60,5%, nếu tính thêm Thương mại, Dịch vụ thì tỷ lệ ngành phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế lên đến 90%.

Muốn đạt được những mục tiêu này, yêu cầu phát triển bền vững đô thị và thị trường bất động sản có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, mức độ lan tỏa về công nghiệp, đô thị, dịch vụ của TP.HCM ngày càng mạnh mẽ; mức độ liên kết vùng ngày càng chặt chẽ, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cơ hội phát triển của tỉnh Long An.

Điều này cho thấy, cần có khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá toàn diện nhằm giải quyết các thách thức và nắm bắt được các cơ hội phát triển bền vững, phục vụ cho sự phát triển của Long An nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Trong đó việc phát triển bền vững thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng, là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu góp phần phát triển nhanh và bền vững cho đô thị tỉnh Long An, khai thác và phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư vào các loại hình khuyến khích phát triển như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản đô thị,…

Bộ mặt đô thị Long An ngày một phát triển.

Báo cáo nghiên cứu "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được kết cấu với 7 phần:

Phần 1. Đặt vấn đề

Phần 2. Mở đầu

Phần 3. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Long An; hiện trạng, định hướng phát triển đô thị và thị trường bất động sản Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Phần 4. Cơ sở tăng trưởng dài hạn, tích cực của thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Phần 5. Bất động sản khu công nghiệp tỉnh Long An: Hiện trạng và triển vọng

Phần 6. Nhận diện cơ hội đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Phần 7. Kết luận

Ngày 11/7/2024, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Sở Xây dựng tỉnh Long An đã chính thức hoàn thành Báo cáo nghiên cứu: "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030"

Theo đó, phần Mở đầu là chia sẻ của Đồng chí Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An về những điểm nhấn quan trọng trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050; và những điểm đột phá phát triển, nỗ lực của tỉnh Long An để đạt được những mục tiêu Quy hoạch đề ra.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Long An phấn đấu là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An, để đạt mục tiêu đưa Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, Long An quyết tâm hình thành "1 trung tâm – 2 hành lang – 3 vùng kinh tế - 6 trục động lực". Đây cũng chính là điểm nhấn của Quy hoạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An, để đạt mục tiêu đưa Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, Long An quyết tâm hình thành "1 trung tâm – 2 hành lang – 3 vùng kinh tế - 6 trục động lực". Đây cũng chính là điểm nhấn của Quy hoạch.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm về giao thông, nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực với tư duy mới, tầm nhìn mới.

Tất cả đều cho thấy quyết tâm của tỉnh Long An trong việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, thu hút kêu gọi đầu tư, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2021 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An có nhiều thành tựu đáng tự hào, được nêu rõ trong Phần 3 của Báo cáo. Trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đầy khó khăn, Long An nhanh chóng phục hồi, năm 2022 ngay sau thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, GRDP của Long An đã đạt 8,46%, đứng thứ 6/13 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cao hơn bình quân cả nước là 8%; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Năm 2023, Long An có sự bứt phá mạnh mẽ từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI và đạt điểm cao nhất từ trước đến nay với 70,94 điểm.

Song song với đó, những năm qua Long An đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị nên đã ghi nhận những bước phát triển rõ rệt. Đến nay, có thể nói diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo ra cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao cuộc sống người dân trên địa bàn.

Năm 2024, UBND tỉnh Long An đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phát của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh;… Long An cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trên 3 lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp; thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ,… ; Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, logistics,…; Phát triển khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính cạnh tranh.

Long An tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, gia tăng liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.

Định hướng phát triển đô thị và thị trường bất động sản của tỉnh Long An cho thấy, từ nay đến năm 2030, Long An xác định các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. Quy mô dân số định hướng đến năm 2030 khoảng 1.879.000 người. Phấn đấu mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Long An đến năm 2030 là khoảng 55%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

Về chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư 28 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; trong đó, có 07 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 5,41 ha; tổng diện tích sàn hoàn thành là 76.638m2 với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 8.000 người và 21 dự án đang triển khai, dự kiến diện tích đất xây dựng 42,12 ha, diện tích xây dựng khoảng 915.963,6 m2 sàn với 15.526 căn.

Giai đoạn 2024 – 20230, Long An định hướng phát triển nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị lớn, như dự án KĐT Tân Mỹ, KĐT Phước Vĩnh Tây, KĐT Nam Cần Giuộc, KĐT Mới Long Hậu… và đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Các chuyên gia trong Hội đồng cố vấn cũng đưa ra những phân tích sâu, đánh giá toàn diện về định hướng phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, các dự án hạ tầng giao thông có vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển mang tính đột phá nhờ khả năng kết nối thuận tiện, tạo ra khởi đầu mới, khơi dậy tiềm năng phát triển của địa phương. Một khi hạ tầng giao thông được đẩy mạnh triển khai, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch dân cư, chuyển dịch đất đai, phát triển thêm những khu vực mới, tạo tiền đề cho phát triển bộ mặt đô thị, tạo động lực cho sự phát triển thị trường bất động sản của một địa phương. Điều này không chỉ đúng với Long An, mà còn đúng với các địa phương khác trên cả nước.

Cơ sở tăng trưởng dài hạn, tích cực của thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được đề cập đến trong Phần 4 của Báo cáo. Các chuyên gia đã phân tích chi tiết các cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội, cơ sở quy hoạch – liên kết vùng và hành đồng quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền tỉnh góp phần quan trọng vào cơ sở tăng trưởng dài hạn, tích cực của thị trường bất động sản Long An. Báo cáo cũng cho thấy những quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo và chính quyền tỉnh trong kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp; Sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng; Ưu tiên những mục tiêu và chuẩn mực cụ thể, đảm bảo các dự án hạ tầng đô thị đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Có thể nói, Long An là một trong những địa phương luôn tiên phong cho thấy tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh có thể phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần khẳng định "Chính quyền tỉnh Long An cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cần doanh nghiệp đến đầu tư phát triển" và nhấn mạnh "quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp là quan điểm thật sự, không chỉ là lời nói suông mà là hành động cụ thể".

Dựa trên các cơ sở kinh tế, xã hội, quy hoạch và kết nối vùng và những hành động quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền tỉnh như đã phân tích ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, thị trường bất động sản Long An đã và đang trở thành thị trường tiềm năng, sẽ có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh, bền vững trong cả trước mắt và dài hạn.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, có bài viết “Hạ tầng giao thông thuận tiện thúc đẩy phát triển đô thị và thị trường bất động sản” trong Báo cáo

Tại phần 5, Báo cáo cũng nêu rõ hiện trạng tình hình phát triển bất động sản khu công nghiệp Long An và triển vọng. Theo đó, hiện nay, Long An có 35 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.364,47ha. Trong đó có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982,14ha; 09 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch là 2.466,8ha. Tính đến nửa đầu năm 2024, tỷ lệ lấp đầy các KCN của Long An đạt 67,79%; giá cho thuê từ 150 - 250 USD/m2 /chu kỳ thuê (tùy vào vị trí).

Về triển vọng, bất động sản khu công nghiệp Long An đang đứng trước cơ hội phát triển lớn hơn bao giờ hết. Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh luôn quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh. Hiện tại Long An đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư, thu hút và hỗ trợ cho các dự án đầu tư trọng điểm; ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ, công nghệ mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường; phát triển nhanh các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao. Việc Long An đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên diện rộng, đồng bộ, tăng cường liên kết nội tỉnh và liên kết vùng cũng là tiền đề quan trọng cho bất động sản khu công nghiệp.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Sở Xây dựng tỉnh Long An đã chính thức hoàn thành Báo cáo nghiên cứu: "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp còn đồng thời kéo theo nhu cầu và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản đô thị. Với lượng lớn nguồn nhân lực sẽ tới làm việc tại các khu công nghiệp trong tương lai, Long An chắc chắn sẽ phải sẵn sàng chuẩn bị về hạ tầng đô thị, nhà ở và các hạ tầng xã hội khác.

Phần 6 của Báo cáo là phân tích, đánh giá của các chuyên gia về cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản Long An trong giai đoạn tới. Theo đó, bất động sản công nghiệp ở Long An ngoài các lĩnh vực phổ biến, nhà đầu tư nên tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, bảo quản nông sản để tiêu thụ nguồn cung dồi dào từ Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường bất động sản nhà ở sẽ chịu ảnh hưởng từ sự phát triển của bất động sản công nghiệp, sự dịch chuyển dân cư và sẽ phát triển tích cực trong dài hạn. Bên cạnh nhu cầu mua nhà để ở luôn song hành làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Làn sóng đầu tư này một mặt kích thích, chia sẻ gánh nặng về vốn với các nhà phát triển bất động sản, giúp việc triển khai các dự án nhanh chóng, thuận lợi hơn, đồng thời giúp điều tiết thị trường, tạo sự cân bằng và hài hòa hơn. Tất cả những điều đó đều góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở của Long An phát triển đột biến nhưng bền vững. Bất động sản logistics cũng được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng trong biểu đồ tăng trưởng của thị trường bất động sản tỉnh Long An thời gian tới.

Tóm lại, lợi thế về vị trí địa lý, còn người, tiềm năng đất đai cùng với nỗ lực của chính quyền trong chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An. Dù còn nhiều thách thức về việc chạy đua trong hoàn thành các cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, gia tăng số lượng dự án nhà ở xã hội... nhưng phát triển đô thị và thị trường bất động sản Long An vẫn đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá trong tương lai.

Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư quan tâm Toàn văn Báo cáo nghiên cứu: Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xin vui lòng liên hệ:

Email: [email protected]

- Bà Bùi Thị Hương,

Giám đốc Khối Dự án Chiến lược, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

SĐT: 0972.681.618

- Ông Lê Đăng Trung,

Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại TP.HCM, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

Điện thoại: 0918.888.722


Nguồn: https://reatimes.vn/phat-hanh-bao-cao-nghien-cuu-phat-trien-do-thi-va-thi-truong-bat-dong-san-tinh-long-an-giai-doan-2021-2025-tam-nhin-den-nam-2030-202240711001844077.htm