19/04/2024 | 19:55 GMT+7, Hà Nội

Phát triển đô thị thông minh gắn với bản sắc Việt Nam

Cập nhật lúc: 23/10/2020, 08:40

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đô thị thông minh là yêu cầu tất yếu trong phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, đô thị thông minh cần gắn liền với bản sắc văn hoá Việt Nam.

Sáng 22/10, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 với chủ đề "Đô thị thông minh - Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì đã diễn ra.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có những chia sẻ về quá trình phát triển đô thị thông minh Việt Nam.

Đô thị thông minh: Xu hướng tất yếu của phát triển

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển đô thị của Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng và tích cực. Chúng ta đã có một hệ thống đô thị quốc gia được phân bổ tương đối hợp lý.

Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện rõ rệt. Các đô thị đã thể hiện được vai trò động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế các địa phương, các vùng trên cả nước.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Phát triển đô thị thông minh gắn với bản sắc Việt Nam

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập lớn. Ví dụ như phát triển chưa bền vững, chưa thực sự gắn kết với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát triển thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp. Đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải vượt qua và phải xử lý có hiệu quả trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia cũng như quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia trong thời gian tới.

Phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi trong quá trình phát triển đô thị. Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam với các trụ cột, bao gồm: Quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh; Quản lý đô thị thông minh và Thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn; Xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy, bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trong thời gian tới, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Đô thị thông minh: Xu hướng tất yếu của phát triển

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng ta sẽ xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh. Chúng ta sẽ xây dựng những công cụ quản lý, những định chế, ví dụ khung hướng dẫn tiêu chí và đánh giá đô thị thông minh của các đô thị; xây dựng các quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch về xây dựng công trình thông minh trong đô thị.

Chúng ta cũng sẽ xây dựng những cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí, phân tán tài nguyên và các nguồn lực. Điều này góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển đô thị thông minh

Thực tế, trong thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương, đô thị đã quan tâm, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng, tác dụng của phát triển đô thị thông minh trong Chiến lược phát triển đô thị bền vững. Nhiều địa phương cũng đã tham khảo, học tập, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để xây dựng những Đề án phát triển đô thị thông minh của tỉnh.

Nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập như xuất hiện những cách hiểu chưa được toàn diện, chưa thống nhất đồng bộ, nặng về một số lĩnh vực. Ví dụ về công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển đô thị thông minh, nhiều tỉnh chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ đô thị thông minh. Trước vấn đề đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2025, chúng ta sẽ hỗ trợ, tập trung các nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng phát triển toàn diện hệ thống đô thị thông minh ở Việt Nam.

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển đô thị thông minh

Liên quan đến hệ thống luật pháp, trong thời gian qua, thực hiện quyết tâm, chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ về công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, chúng tôi cũng tập trung cao cho vấn đề này và đã tích cực tham mưu, đề xuất, thực hiện nhiều Đề án xây dựng luật về lĩnh vực xây dựng cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng.

Trong đó, chúng tôi thấy rằng, việc sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ở Kỳ họp thứ 9 đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của phát triển đô thị thông minh. Bộ luật có những đổi mới, những tiến bộ và đặc biệt là đáp ứng được những yêu cầu rất cơ bản của xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm tính đồng bộ giữa Luật Xây dựng với hệ thống pháp luật hữu quan, ví dụ như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đối tác công tư… cũng đã được quan tâm.

Lần này, trong Luật Xây dựng đã đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác ở mức độ có thể thấy tốt nhất trong thời điểm này. Quy định pháp luật đã phân đúng vai trò của các cơ quan quản lý. Ví dụ, những cơ quan chuyên môn có chức năng thẩm định dự án, thẩm định dự toán của Bộ Xây dựng sẽ không thực hiện thẩm định những kỹ thuật chi tiết, những dự toán chi tiết, những tổng mức đầu tư chi tiết. Chúng tôi chỉ thẩm định sự phù hợp với quy hoạch, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và các vấn đề khác của quản lý Nhà nước, không can thiệp vào những vấn đề chi tiết kỹ thuật cụ thể. Mà đây là trách nhiệm của các cơ quan tư vấn và chủ đầu tư. Đây là một yếu tố đổi mới mà chúng tôi cho rằng đã đóng góp rất quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và doanh nghiệp cũng như góp phần thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động xây dựng.

Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu đổi mới trong luật như giải quyết các quyền lợi chính đáng, thiết thực của người dân trong vùng "quy hoạch treo". Vấn đề này xảy ra là do một số tác động khiến cho quy hoạch không được thực hiện, dẫn tới việc quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Luật Xây dựng sửa đổi cũng có một bước giải quyết được việc này.

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, giữ gìn bản sắc của Việt Nam

Trong quá trình xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng cũng tham khảo rất nhiều kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia đã và đang phát triển, những quốc gia có thành tựu rất lớn trong việc phát triển đô thị thông minh cũng như những nghiên cứu và xu hướng, định hướng của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh.

Trên cơ sở ấy để tìm tòi, chọn lọc và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế phát triển nhưng vẫn mang bản sắc của Việt Nam.

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, giữ gìn bản sắc của Việt Nam

Trong đó, có 2 ý cần lưu ý:

Thứ nhất, trong các khái niệm và kinh nghiệm hiện nay, quốc tế chưa đề cập tới lĩnh vực quy hoạch và xây dựng thành phố đô thị một cách thông minh. Chúng tôi cho rằng, đây là nền tảng rất căn cốt. Chúng ta phải dựa trên nền tảng đô thị có sẵn và hiện hữu thì mới có thể tiến hành thực hiện các giải pháp thông minh cho việc tổ chức quản lý và phát triển đô thị đó. Đây là yêu cầu phát triển mới của Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi rất chú ý tới quá trình thực hiện, phát triển đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin cũng như cơ sở dữ liệu lớn. Ở đây có một vấn đề mà chúng ta cần chú ý, và cũng chính là một thách thức đối với xã hội hiện đại, đó là phát triển một xã hội, một cộng đồng đô thị hài hòa, có bản sắc hướng thiện mà vẫn phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việt Nam cũng đã đặt ra vấn đề này, và hiện nay, nhiều thành phố, đô thị, tổ chức bắt đầu thấy sáng kiến của Việt Nam là đúng, họ dần bắt tay vào nghiên cứu theo hướng làm sao tránh được việc lạm dụng những thành tựu kỹ thuật, những thành tựu khoa học trong tổ chức đời sống của dân cư đô thị. Đô thị thông minh cần tránh việc robot hóa mà cần hướng tới sự kết nối giữa các cộng đồng dân cư một cách thực sự, là quan hệ giữa con người với con người".