20/04/2024 | 03:50 GMT+7, Hà Nội

Phát triển công trình xanh: Xu hướng tất yếu

Cập nhật lúc: 14/01/2022, 13:30

Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ mới trong ngành xây dựng không chỉ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, rút ngắn tiến độ mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiến tới phát triển công trình xanh...

Hàng loạt công nghệ được ứng dụng

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng rất lớn tới mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có ngành xây dựng. Hiện tại, Việt Nam đã có một số sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) áp dụng công nghệ mới, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước lẫn quốc tế. Ví như kính tiết kiệm năng lượng low-e, gạch bê tông siêu nhẹ AAC, thanh polymer cốt sợi thủy tinh chống ăn mòn, dùng cho các công trình ven biển, xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, sơn thích ứng biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu tái chế phế thải xây dựng, tro, xỉ từ các nhà máy... mang tính thực tiễn, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên cũng được quan tâm, chú trọng. Theo TS Tống Tôn Kiên - Khoa VLXD (trường Đại học Xây dựng Hà Nội), các cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng có cấu tạo rỗng xốp và nhẹ hơn cốt liệu tự nhiên. "Việc sử dụng, tái chế các chất thải trong công nghiệp xây dựng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí vận chuyển mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt" - TS Tống Tôn Kiên chia sẻ.

Không chỉ trong lĩnh vực VLXD đang từng bước đổi mới, các DN trong nước đã làm chủ nhiều công nghệ trong thiết kế, thi công nhà cao tầng, công trình giao thông, thủy lợi, công trình công nghiệp có quy mô lớn.

Sớm có chiến lược xanh trong toàn bộ các công đoạn

Từ năm 90 của thế kỷ trước, một số nước châu Âu đã nhen nhóm hình thành dạng công trình hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng các điều kiện khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Đến nay, “cuộc cách mạng công trình xanh” trong lĩnh vực xây dựng đã lan tỏa tới hơn 100 quốc gia.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 trở đi, trải qua 10 năm (2012 - 2021), số lượng công trình xanh của Việt Nam tính đến tháng 5/2021 đã được hoàn thành và có chứng nhận 174 công trình. Số lượng đang được thiết kế và thi công chưa có chứng nhận khoảng 100 - 150 công trình. Trong cuộc hội thảo mới đây được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam”, TS.KTS Tạ Quốc Thắng (Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng) cho rằng, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam.

"Cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp" - TS. KTS Tạ Quốc Thắng chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh cho rằng, để có thể hiện thực các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam, cần có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế.

"Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của thiết kế sinh thái là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc - C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt" - PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhận định.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

Để công trình xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được 4 công việc không thể thiếu gồm: Xây dựng chính sách; Sản phẩm xanh; Khách hàng cho sản phẩm xanh và Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh. Trong đó, về xây dựng chính sách, cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, có một hệ thống luật rõ ràng như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; đầu tư phát triển công trình xanh trong nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh… PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Khoa học Công nghệ đô thị xanh

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-xu-huong-tat-yeu.html