19/01/2025 | 13:35 GMT+7, Hà Nội

Phát triển công nghệ rút ngắn thời gian điều chế vắcxin

Cập nhật lúc: 21/01/2019, 13:10

Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland, Australia đã phát triển một phương pháp mà họ hy vọng có thể rút ngắn thời gian điều chế vắcxin trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trên toàn cầu.

Theo thông báo do Đại học Queensland đưa ra, phương pháp này được phát triển trong khuôn khổ một dự án hợp tác toàn cầu, trong đó có sự tham gia của Liên minh các sáng kiến đối phó với dịch bệnh, nhằm rút ngắn thời gian điều chế vắcxin thường kéo dài hàng năm trời hoặc thậm chí 1 thập kỷ xuống còn khoảng 26 tuần. 

Tiến sĩ Keith Chappell, một trong những người đứng đầu dự án cho biết mục tiêu của dự án là có thể sản xuất hơn 200.000 liều vắcxin mới, an toàn, hiệu quả và sẵn sàng triển khai tại chỗ trong khoảng 6 tháng. 

Nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Chappell đã phát triển một công nghệ gọi là molecular clamp (kìm giữ phân tử), tạo sự ổn định các protein của virus vốn là mục tiêu tấn công đầu tiên của hệ miễn dịch. Theo giáo sư Young, một trong những người đứng đầu dự án trên, cho rằng công nghệ này được phát triển làm cách tiếp cận nền tảng đối với việc điều chế các vắcxin phòng chống dịch bệnh ở người và động vật. Các thí nghiệm đến nay đã cho kết quả khả quan trong việc phòng chống các virus như virus cúm, Ebola, Nipah và coronavirrus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).

 Với việc điều chế một cách nhanh chóng các vắcxin phòng bệnh, chúng ta có thể nhanh chóng hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra

Tiến sỹ Daniel Watterson cũng đứng đầu dự án này nhận định: "Công nghệ kìm giữ phân tử có thể giải quyết một số bệnh nguy hiểm nhất hiện nay và làm thay đổi về cơ bản cách thức chúng ta đề phòng các bệnh phổ biến. Với việc điều chế một cách nhanh chóng các vắcxin phòng bệnh, chúng ta có thể nhanh chóng hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra".

Nỗ lực sản xuất nhanh vắcxin đã nhận được sự hỗ trợ của một liên minh các nhà khoa học toàn cầu trong đó các tổ chức khoa học quốc tế hàng đầu như Đại học Hongkong.