19/01/2025 | 12:13 GMT+7, Hà Nội

Phát hiện hàng loạt bánh trung thu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng

Cập nhật lúc: 23/09/2015, 10:42

Từ đầu tháng 9 đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã đột xuất kiểm tra và xử phạt 14 cơ sở vi phạm, đình chỉ 1 cơ sở, tiêu hủy hàng loạt nguyên liệu và bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Tờ Dân trí đưa tin, tại buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội với quận Hai Bà Trưng về công tác đảm bảo ATVSTP phục vụ Tết Trung thu, bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, tính từ đầu tháng 9 đến 21/9, toàn quận đã kiểm tra 23 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Công tác thanh kiểm tra ATVSTP được tăng cường, nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết trung thu

Qua kiểm tra đã xử phạt 14 cơ sở vi phạm về sản xuất kinh doanh bánh trung thu với số tiền lên đến 76,3 triệu đồng. Trong đó, đình chỉ 1 cơ sở, nhắc nhở 3 cơ sở, hủy sản phẩm 260 kg nguyên liệu sản xuất bánh nướng, bánh dẻo, 90 chiếc bánh nướng bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điển hình là tình trạng không đảm bảo ATVSTP tại cơ sở sản xuất bánh ngọt ở địa chỉ 64-66 Lê Thanh Nghị (phường Bách Khoa). Tại cơ sở này, Đoàn kiểm tra của quận Hai Bà Trưng đã tiến hành tiêu hủy 160kg nguyên liệu sản xuất bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc. Hay tại cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu địa chỉ 38 Đê Tô Hoàng, đoàn cũng đã tiến hành tiêu huỷ 70 bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu ở địa chỉ 164 Kim Ngưu không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP và cũng bị tiêu hủy 100kg nguyên liệu sản xuất bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc.

Còn kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu địa chỉ 47 Lê Văn Hưu đã phát hiện nhập hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tiến hành tiêu hủy 20 bánh nướng nhập khẩu...

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu các quận huyện cần đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra nhằm đảm bảo ATVSTP trong dịp Trung thu. Đặc biệt ông Hạnh cũng lưu ý các đơn vị cần kiểm tra kể cả khi đã qua rằm, nhằm đảm bảo những bánh trung thu tồn, hết hạn sử dụng phải được tiêu hủy; tránh bánh trung thu hết hạn được đưa ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra cả khâu vệ sinh bàn tay của công nhân sản xuất bánh 

Sau buổi làm việc, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP cũng đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sản xuất bánh Trung thu Mesa và Long Đình.

Trước đó, ngày 15/9 đoàn kiểm tra liên ngành quận đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh Mesa và đã phạt cơ sở này 8 triệu động do không có đủ thiết bị, biện pháp phòng chống con trùng và động vật gây hại theo quy định và không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đoàn liên ngành kiểm tra đợt 2 tại cơ sở sản xuất của Cty TNHH DV&TM Mesa (142 phố Huế, Hà Nội) sáng 21/9, cơ sở này đã khắc phục mọi vi phạm trước đó 

Trong lần kiểm tra này, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Mesa đã khắc phục những tồn tại trên và ngay lập tức được sản xuất trở lại.

Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long đình (thuộc công ty TNHH Nhà hàng Gia Viên, địa chỉ tại 228 Bà Triệu) đã ngừng sản xuất từ ngày 19/9 và hiện chỉ còn tồn bột làm vỏ bánh. Theo đại diện cơ sở, mùa trung thu năm nay, công ty sản xuất 9 dòng sản phẩm bánh trung thu. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị xuất trình đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan.

Do bánh trung thu Long Đình của cơ sở vẫn còn bày bán nên đoàn đã tập trung kiểm tra, đối chiếu hồ sơ sổ sách của các loại bánh trung thu. Kết quả cơ sở chấp hành tương đối đầy đủ các quy định pháp luật. Đoàn đã lấy 12 mẫu bánh tại cơ sở để gửi kiểm nghiệm..

Trao đổi với PV Một Thế Giới về tác hại  mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Nhìn nhận lại cách quản lý của chúng ta về VSAT thực phẩm, cứ liên quan đến thực phẩm là dẫn đến ung thư. Có thể do gen, do thực phẩm. Ví dụ ung thư phổi do nguyên nhân thuốc lá nhiều.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ung thư. Và khi bất kỳ ai trong chúng ta phát hiện những cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm mất an toàn vệ sinh thì người dân đến trạm Y tế xã phường để khai báo hoặc báo các cơ quan chức năng như Cục vệ sinh an toàn thực phẩm hay xã, phường để xử lý". 

Ông cũng thừa nhận do tâm lý ngại va chạm của người Việt Nam gây nên hiện tượng là phát hiện ra cơ sở không đảm bảo ATVS thực phẩm mà không thông báo. Chính vì vậy việc phát hiện các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nhức nhối vì những phát hiện nhỏ, lẻ trong xã hội./.