Phát hành báo: Chuyện xưa, chuyện nay
Cập nhật lúc: 19/06/2019, 10:01
Cập nhật lúc: 19/06/2019, 10:01
Khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ cũng là lúc những người làm nghề phát hành báo bắt đầu bước vào một ngày làm việc mới. Để độc giả được cầm tờ báo trên tay vào mỗi buổi sáng, hàng trăm con người đã phải tất bật phân loại, vận chuyển tại các nhà in từ tờ mờ sáng.
Một nét văn hóa rất riêng
3 giờ sáng tại cổng nhà in trên phố Nhà Chung, Hàng Trống đã tấp nập xe cộ chở báo, phát hành. Rất đông nhân viên làm việc luôn tay, luôn chân từ xếp báo, phân loại các đầu báo, đóng gói và vận chuyển lên xe để kịp trong khung giờ cao điểm của công tác phát hành báo giấy.
4 giờ sáng, cổng Công ty Phát hành báo chí Trung ương , phố Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội khá đông người và xe. Dù đã khoác lên mình một bộ mặt mới, nhiều nhà sách trên phố Đinh Lễ được mở rộng, khang trang và nhộn nhịp hơn, tuy nhiên, công việc của những người làm phát hành báo dường như vẫn thế, vẫn “thô sơ” bày trên vỉa hè để chờ độc giả ghé qua. Cả một dãy phố dài là bạt ngàn sách, tạp chí, báo với đủ loại, từ Nhân Dân, Quân đội nhân dân đến Lao Động, Tiền Phong hay Hà Nội Mới... được bày bán phục vụ các “thượng đế”. Trải qua thăng trầm, các sạp báo vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa của Thủ đô, điểm xuyết nét rất riêng của người Hà Nội.
Công việc thầm lặng của những người phát hành báo chí tại phố Đinh Lễ.
Khoảng 5 - 6h sáng mỗi ngày, vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát hồ Gươm trở thành nơi tập kết báo, trước khi được chuyển đi các sạp. Trời chưa sáng rõ mặt người, đội quân phát hành đã cần mẫn làm việc. Câu chuyện giữa họ dường như chỉ xoay quanh số lượng ấn phẩm phát hành, tính toán thu nhập để trang trải cuộc sống, đôi khi có tiếng thở dài về tình hình kinh doanh báo in ngày càng xuống thấp do độc giả tìm đến báo mạng nhiều hơn. Từ “trung tâm phát hành vỉa hè” này, các đầu báo sẽ toả đi khắp Thành phố Hà Nội để đảm bảo báo đến tay người đọc trước 7 giờ.
Đôi mắt đã quá quen với việc thức đêm để chạy đua thời gian lúc cao điểm, tay thoăn thoắt lồng báo vào bao, chị Bùi Hồng Nguyệt (chủ một hiệu sách, báo khu tập thể số 5 Đinh Lễ) chia sẻ: “Trong khoảng từ 4 giờ đến tầm 6 giờ, không khí nhộn nhịp nhất với việc giao nhận báo”. Vừa thoăn thoắt phân loại, lồng trang quảng cáo vào trang nội dung, chị Nguyệt vừa nói: “Công việc này yêu cầu phải nhanh, nhiều khi như vắt chân lên cổ mà chạy. Nhanh nhưng lại phải chuẩn, không được để nhầm lẫn và nhàu nát vì như thế sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người đọc”. Sạp báo của chị có số lượng khách mua khá ổn định nhưng nhiều hôm mưa to gió lớn, báo lấy về nhiều, không bán được, lỗ vốn. Có hôm mưa rào ập đến nhanh quá, chị chưa kịp dọn hàng, cả chồng báo đã ướt mèm… Vất vả, nắng mưa dãi dầu là thế, nhưng thu nhập mỗi tháng của chị cũng chỉ được vài ba triệu.
Để tờ báo đến được với độc giả kịp thời, vận chuyển là khâu đòi hỏi sự chạy đua thời gian không kém. Với ông Hùng, người đã làm công việc nhập và bán báo hơn 20 năm nay, hôm nào cũng vậy ông dậy từ 3 giờ sáng để phân loại đầu báo. Hành trình của ông thường bắt đầu với những chiếc xe xuyên đêm, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thời tiết. Đôi mắt đăm chiêu nhìn ra xa, ông nói: “Sợ nhất là những hôm mưa bão không ra được khỏi Hà Nội vì đường biến thành… sông. Thế là báo phát hành chậm, vừa bị bạn đọc quở trách, vừa bị trả về, thế là lỗ vốn”.
Vẫn sống được bằng nghề
Có lẽ so với cả nước, Hà Nội vẫn là thị trường báo chí hấp dẫn, sôi động bậc nhất. Ngoài các sạp báo bề thế, có quy mô thì còn có sạp báo được hình thành chỉ là tấm nilông trải đất, bày báo lên đó và... bán. Bởi lẽ, với nhiều người Hà Nội, việc đọc báo đã trở thành một thói quen thường nhật. Theo các chủ cửa hàng ở Đinh Lễ, một năm có mấy dịp người tới mua báo đông nhất là dịp Tết, đợt nghỉ hè và dịp 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những ngày này, người ta tặng nhau những giỏ quà, hộp quà như lời tri ân, nhắn nhủ. Những giỏ quà nếu có một tờ báo hay, vừa đong đầy tình cảm và sự quan tâm của người tặng lại vừa đậm sâu ý nghĩa văn hóa và giá trị tinh thần.
Với nhiều người báo in vẫn có sức sống riêng.
Từ nhiều năm nay, cụ Nguyễn Ngọc Anh (78 tuổi, trú phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn giữ thói quen mỗi sáng đạp xe ra phố Hàng Trống, phía cổng trụ sở Báo Nhân Dân, nơi có nhiều sạp báo lớn để mua vài tờ. Cụ coi đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu, dù hàng ngày vẫn xem tivi, nghe đài. Tuy nhiên, những khách hàng quen thuộc với các sạp báo trên phố Hàng Trống như cụ Ngọc Anh ngày càng thưa vắng. Chỉ mới vài năm trước, nơi đây còn tấp nập kẻ bán người mua thì đến nay, câu chuyện ấy đã lùi xa. Thời kỳ đỉnh cao, Hà Nội có khoảng hơn 800 sạp báo. Thế nhưng đến nay, số lượng chỉ còn vài chục sạp nằm rải rác. “Thời điểm bán nhiều, có những đầu báo bán 1 ngày vài trăm tờ nhưng đến nay chỉ bán được khoảng 40 tờ/ngày”, bà Lụa, một chủ sạp báo trên phố Hàng Trống lo lắng.
Hơn hai mươi năm lăn lộn với nghề, mái tóc đã điểm sương nhưng ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, bà Lê Thị Nhã, chủ một đại lý phát hành báo chí ở phố Nhà Chung vẫn đi đến gian phòng nhỏ chật hẹp, phân loại những tờ báo để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Hỏi về những ngày đầu mới vào nghề, bà nghẹn ngào nói: “Thế hệ chúng tôi cầm tờ báo trong tay, lật qua lật lại, cẩn thận vuốt ve và đọc ngấu nghiến từng trang. Thế hệ trẻ ngày nay dường như thoải mái hơn với những cú nhấp chuột, cái vê tay trên máy tính hay Smatphone, thế là tin tức khắp nơi đều biết được…”.
Bà Nhã cho biết, hơn 10 năm về trước, những chiếc xe đạp bán báo với chiếc loa nhỏ xíu len lỏi vào từng ngõ ngách, tiếng loa rao là một nét rất riêng của Hà Nội. Thời đó, những tin nóng lúc nào cũng được chú ý hay các tờ báo về bóng đá luôn bán chạy. Giai đoạn báo chí phát triển rực rỡ là khi số lượng các tờ báo tăng cao đến mức kỷ lục. Có tờ báo đạt tia-ra đến gần triệu bản và đây cũng là thời kỳ những người bán báo có lịch sử huy hoàng không kém.
Ngoài các quầy bán báo lẻ, báo đặt từ công ty phát hành, thì thời gian này ở Hà Nội còn phát triển một lực lượng bán báo lẻ hùng hậu. Lúc này là đủ mọi thành phần, già trẻ, trai gái và cả trẻ em bán báo; chủ yếu là người nông thôn ra thành phố kiếm sống. Nhưng thời hoàng kim ấy cũng mau chóng đi qua, các “kinh đô” phát hành báo như Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng giờ cũng đã chỉ còn trong ký ức…
Nguồn: https://congluan.vn/phat-hanh-bao-chuyen-xua-chuyen-nay-post63532.html
23:01, 18/06/2019
07:00, 17/06/2019
10:00, 12/06/2019