19/01/2025 | 10:27 GMT+7, Hà Nội

"Phải coi việc quản lý vận hành chung cư là 1 ngành mang tính nhân văn sâu sắc"

Cập nhật lúc: 25/06/2019, 22:25

Có thể thấy, tranh chấp, mâu thuẫn tại các dự án bất động sản đa sở hữu là một vấn đề nóng đến nay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết mà nút thắt lớn nhất chính là khâu quản lý, vận hành nhà chung cư.

Cứ 10 chung cư ở TP thì có 1 chung cư xảy ra tranh chấp

Số liệu thống kê từ 40 địa phương đến cuối tháng 3/2019 cho thấy, cả nước hiện nay có tới 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành và chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư.

Tại Hà Nội, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện; TP.HCM cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau; trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.

Trung bìnhcứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp. Có thể thấy, tranh chấp, mâu thuẫn tại các dự án bất động sản đa sở hữu là một vấn đề nóng đến nay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.

Tại Tòa đàm "Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty Venus tổ chức sáng 25/6, các chuyên gia cũng như nhà quản lý, doanh nghiệp đã có những cuộc thảo luận nhằm tìm ra tiếng nói chung, giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tranh chấp chung cư.

Ông

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Tại tọa đàm, phân tích về nguyên nhân của các tranh chấp tại nhà chung cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã liệt kê ra một số lý do như: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp kinh phí quản lý vận hành, xác định quản lý chung riêng, thu - chi tài chính của ban quản lý, không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, hay chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng công trình có vấn đề, chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án theo quyết định được duyệt…

Hãy coi việc quản lý, vận hành chung cư là một ngành mang tính nhân văn

Bổ sung ý kiến của vị đại diện HoREA, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus cho biết, mô hình chung cư thường duy trì hoạt động ổn định khoảng 3 năm đầu, những năm sau đó thường xảy ra tranh chấp.

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đến một phần từ quy định pháp luật còn những bát cập, từ chủ đầu tư, khách hàng không xem xét điều khoản hợp đồng, chuyên môn ban quản trị, vai trò quản lý của địa phương…

"Những bất đồng thường thấy là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, không thống nhất được đơn vị quản lý vận hành, chậm ra sổ hồng, hay những thông tin mà cư dân nhận được không trùng khớp với thông tin của chủ đầu tư nên dẫn đến tranh chấp", bà Hương nhấn mạnh.

Theo đó, hoạt động quản lý vận hành còn khá non trẻ, từ năm 2005, trong Luật nhà ở mới có cụm từ này, sau đó có quyết định 08 của Bộ Xây dựng, đây được cho là nền tảng pháp lý cho hoạt động quản lý nhà hiện nay.

Và đến thời điểm này, về mặt pháp lý đã tương đối đầy đủ, nhưng để áp dụng thực tế vào đời sống vẫn còn nhiều bất cập.

Có thể thấy, hiện nay, bên cạnh những thuận lợi như thị trường dễ, quản lý và hỗ trợ từ chính quyền thì những khó khăn trong việc quản lý vận hành còn nhiều như: Đây là một ngành mới, nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên biệt, quy chuẩn về dịch vụ chưa rõ ràng, thị trường cung cấp dịch vụ rất sơ khai, cơ chế hoạt động chưa thông suốt, ý thức người dân chưa tích cực, kẽ hở pháp lý…

bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus

Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus

"Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao để hoạt động vận hành chung cư được tốt hơn? Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh công tác truyền thông và hỗ trợ pháp lý. Bởi khi khách hàng thiếu thông tin sẽ thắc mắc và thực hiện không đúng…", bà Hương kiến nghị.

Điều cần thiết tiếp theo, theo bà Hương là phải làm cho khách hàng hiểu về quyền và trách nhiệm của mỗi cư dân.

Tiếp đến là khuyến khích thực hiện xây dựng đô thị thông minh, làm cho việc quản lý vận hành thông minh hơi, làm sao cho mọi thứ an toàn hơn. Hơn nữa, nên siết chặt việc quản lý vận hành bằng cách xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ, hoàn thiện các quy trình tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý là điều nên khuyến khích.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác quản trị chuyên nghiệp và liên tục đào tạo nhân viên, luôn cập nhật và tuyệt đối tuân thủ pháp luật theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng.

"Theo tôi, đối với việc quản lý vận hành chung cư, chúng ta phải coi nó là một ngành mang tính nhân văn sâu sắc, người tham gia vận hành phải nắm được tinh thần này thì mới mang được những giá trị cho cộng đồng. Cũng trên tinh thân này, cơ quan chức năng có chức trách và nhiệm vụ làm sao phải đáp ứng được tốt hơn", bà Vũ Ngọc Hương cho biết./. 

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/phai-coi-viec-quan-ly-van-hanh-chung-cu-la-1-nganh-mang-tinh-nhan-van-sau-sac-37019.html