Nước biển dâng - Hệ lụy của biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc: 23/09/2019, 08:30
Cập nhật lúc: 23/09/2019, 08:30
Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao... Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn.
Các nhà khoa học cho rằng mực nước tại các đại dương sẽ dâng cao bao nhiêu vào năm 2100, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ Trái Đất sẽ gia tăng thế nào.
Ngày nay, hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.
Nước biển ở Hà Lan dâng cao kỷ lục trong năm 2017
Viện nghiên cứu biển Deltares của Hà Lan cho biết bão và các chu kỳ thủy triều đã khiến mực nước biển ở dọc bờ biển của Hà Lan năm 2017 ghi nhận mức cao kỷ lục.
Theo chuyên gia Fedor Baart, thuộc tổ chức trên, mực nước biển đã tăng dần từ năm 1890, thêm 0,2cm mỗi năm do băng tan chảy và đại dương đang nóng lên. Điều này có nghĩa là mực nước biển mỗi năm một cao hơn.
Những con hải cẩu bên ngoài kè chắn bão lũ Oosterscheldekering, Hà Lan. (Nguồn: Courtesy) |
Năm 2017, viện trên đo được mực nước trung bình dọc bờ biển của Hà Lan cao hơn 11cm so với mức nước trung bình tại Amsterdam. Mức cao nhất trước đó ghi nhận được là vào năm 2007, khi con số này là 9cm.
Thụy Điển gấp rút ứng phó với nước biển dâng
Theo Đài Truyền hình trung ương Thụy Điển (SVT), các thành phố của nước này hiện đang tích cực chuẩn bị để đối phó với vấn đề nước biển dâng do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Bà Anna Moller - chuyên gia nghiên cứu về khí hậu tại thành phố Vellinge cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thành phố này rất rõ ràng và đang diễn ra. Vellinge liên tục chứng kiến tác động của tình trạng mực nước biển dâng và điều này hiện đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Hầu hết các thành phố của Thụy Điển đều nằm gần sông, hồ và biển. (Nguồn: WPR) |
Vellinge là thành phố thuộc hạt Skane của Thụy Điển được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng lên ở mức cao nhất do sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Viện nghiên cứu Khí tượng và Thủy văn Thụy Điển, mức nước biển tại thành phố này có thể cao tới 75cm vào năm 2100. Để đối phó với thực trạng trên, chính quyền thành phố đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đê biển dài 21km nhằm bảo vệ các tòa nhà cao tầng và người dân khỏi tình trạng ngập lụt.
Thung lũng Silicon có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm
Theo một báo cáo đăng tải ngày 7/3 trên tạp chí khoa học Science Advances, tình trạng sụt lún kết hợp với nước biển làm tăng gấp đôi diện tích khu vực Thung lũng Silicon có nguy cơ bị ngập lụt vào năm 2100.
Cho tới nay, các bản đồ dự báo về ngập lụt của Chính phủ Mỹ chỉ tính đến tốc độ nước biển dâng mà không tính đến tình trạng sụt lún của Vịnh San Francisco. Theo đó, chính phủ ước tính đến năm 2100 tối thiểu 51km2 diện tích đường bờ biển của Vịnh San Francisco có nguy cơ ngập lụt.
Thung lũng Silicon có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. (Nguồn: The Social Investment Consultancy) |
Tuy nhiên, sau khi bổ sung nhân tố sụt lún, nghiên cứu mới tính toán rằng số diện tích có nguy cơ ngập lụt tại Vịnh San Francisco tăng lên ít nhất 125km2.
Trong khi đó, theo kịch bản tồi tệ nhất là tốc độ nước biển dâng tăng nhanh do tác động từ hiện tượng băng tan, số diện tích bị ngập tại Vịnh San Francisco có thể lên tới 413km2 vào cuối thế kỷ này.
Tình trạng này đe dọa ảnh hưởng tới một số cơ sở hạ tầng tại khu vực, trong đó đáng chú ý có sân bay quốc tế San Francisco, nơi đón hơn 200.000 chuyến bay/năm với khoảng 56 triệu hành khách.
Khi tính toán cả 2 yếu tố tốc độ sụt lún và nước biển dâng, các chuyên gia dự báo vào năm 2100, một nửa số đường băng và đường dành cho xe taxi của sân bay này sẽ bị ngập nước. Ngoài ra, một số địa điểm rủi ro cao còn bao gồm thành phố Foster và đảo Treasure.
Nước biển dâng có thể khiến Việt Nam tổn thất 10% GDP
Theo số liệu năm 2018, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Nước biển dâng cao sẽ gây nên những hệ lụy khó lường đối với nước ta. Ảnh minh họa. |
Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của nước ta có thể tăng thêm 33,3cm vào năm 2050 và 45cm vào năm 2070, khoảng 1m vào năm 2100. Nếu kịch bản này diễn ra, nhiều khu vực đất liền ven biển và vùng đất trũng sẽ bị chìm trong nước. Thậm chí, có khu vực sẽ bị ngập sâu vĩnh viễn.
Mực nước biển dâng không những làm diện tích đất đai bị thu hẹp, mà còn làm nhiễm mặn một số nguồn nước ngọt, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, đe dọa đến cuộc sống nhân dân. Khu vực ảnh hưởng lớn nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt (khoảng 17 tỉ USD) cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ.
Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - như mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5m. Trong trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng 3-4 độ C với nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1 m, đủ để phá hủy hàng chục đại đô thị ven biển, thậm chí nhấn chìm nhiều quốc đảo trên thế giới. Thảm họa hơn nữa, nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2m thì không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới. |
14:03, 14/09/2019
17:15, 09/09/2019
13:46, 28/08/2019