19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Những xu hướng bán lẻ lên ngôi giữa đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 03/05/2020, 14:00

Giữa những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý I/2020 ghi nhận những điểm sáng đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu lượng khách đến mua sắm ở các Trung tâm thương mại (TTTM) tại TP.HCM và Hà Nội, theo ghi nhận của CBRE, giảm gần 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra.

Nếu dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý II/2020 (kịch bản 1), nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm trong khi tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng nhẹ 1 - 2 điểm %. Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020 (kịch bản 2), tỷ lệ trống sẽ tăng ở cả hai thị trường, trong đó tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5 - 7 điểm %, đồng thời, nguồn cung tương lai tại TP.HCM sẽ giảm 76% và có thể sẽ không có thêm dự án mới tại Hà Nội.

Doanh số bán lẻ giảm đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tại thị trường Việt Nam, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử, Grab đã kích hoạt một nền tảng mới “GrabMart” để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng. 

Có thể nói bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch, từ các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm như xe hơi, hoặc các dịch vụ như tham quan viện bảo tàng, tham quan bất động sản… đều có thể sử dụng được nền tảng bán lẻ trực tuyến. Về dài hạn, sự tăng trưởng doanh thu thương mại điện thử sẽ là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai ở thị trường bán lẻ.

Sang tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50 - 100% tiền thuê mặt bằng (Ảnh minh hoạ)

CBRE cũng cho hay, việc trả mặt bằng tại các TTTM diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn. Từ sau khi Chính Phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa ngoại trừ ngành hàng thiết yếu.

Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu nổi sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn. Tình trạng trả mặt bằng và sang nhượng là một điều bắt buộc để duy trì mức “tồn tại” đối với các doanh nghiệp nói chung, sự việc này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club… chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại. Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào cuối tháng 4 song phần lớn các ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh như bình thường. Doanh thu dự kiến tháng 4 sẽ sụt giảm 90 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 60 - 70% so với tháng 3. Tình hình hiện tại buộc các chủ đầu tư phải tiếp tục những chính sách ưu đãi nhằm giảm gánh nặng chi phí cũng như tạo khoảng thời gian phục hồi cho khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn. Vào tháng 2, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng và chưa thực sự đưa ra một tín hiệu cụ thể nhằm hỗ trợ về giá cho khách thuê.

Hơn nữa, khi Chính Phủ đưa ra quyết định đóng cửa các địa điểm vui chơi, ăn uống và giải trí, chủ đầu tư đã bắt đầu đưa ra các chính sách hỗ trợ dao động từ 10 - 30% chi phí thuê tùy vào lĩnh vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau. 

Sang tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50 - 100% tiền thuê mặt bằng. Đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc chủ nhà và ghi nhận thường rơi vào 20 - 30% nếu có giảm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã phải trở nên linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.

Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám Đốc - Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam nhận định: “Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới”.