19/01/2025 | 06:54 GMT+7, Hà Nội

Những tượng đài Hồ Chí Minh độc đáo trên xứ sở Bạch Dương

Cập nhật lúc: 19/05/2018, 07:00

Trên thế giới, đã có trên 20 quốc gia có tượng và tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Ở nước Nga, nơi lưu đậm dấu ấn những năm hoạt động cách mạng của Người, đã có những quảng trường, đại lộ mang tên Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, ở xứ sở bạch dương có 4 tượng đài vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Nga.

Tượng đài Hồ Chí Minh đầu tiên tại nước Nga được dựng ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, tại quảng trường Hồ Chí Minh ở quận Akademichesky, thủ đô Moskva. Quảng trường này được mang tên Người từ năm 1969.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Moskva

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Moskva

Đó là tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nhân dân, Viện sĩ Viện hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô (cũ) Vladimir Efimovich Tsigal. Ông từng vinh dự được nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô - Liên bang Nga.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được V.Tsigal thể hiện thật độc đáo. Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười, được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn khổng lồ, cùng hình tượng chàng trai Việt Nam đang ở tư thế chuẩn bị bật dậy và cây tre - hình ảnh thân thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Phía dưới, có dòng chữ tiếng Nga thể hiện câu nói bất hủ của Người “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thứ hai được đặt trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở Saint Peterburg năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người.

Đây là quà tặng của Đại sứ quán Việt Nam dành cho Viện Hồ Chí Minh nhân dịp khai trương ngày 19/5/2010, thể hiện vị lãnh tụ kính yêu trong bộ quần áo kaki giản dị, đang ngồi đọc báo.

Ngày 6/6/2017, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thứ ba được khánh thành trọng thể tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở quận Zasniazhsky, thành phố Ulyanovsk, quê hương của Lênin vĩ đại. Cũng ở nơi đây, trên đại lộ Hồ Chí Minh từ năm 2007 đã đặt bức tượng bán thân của Người.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thứ ba được khánh thành trọng thể tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở quận Zasniazhsky, thành phố Ulyanovsk

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thứ ba được khánh thành trọng thể tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở quận Zasniazhsky, thành phố Ulyanovsk

Sáng kiến dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Ulyanovsk do tỉnh Nghệ An khởi xướng. Tổng kinh phí của dự án (hơn 36 triệu rúp) là khoản đóng góp của tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga và Hiệp hội các công dân Việt Nam tại Liên bang Nga.

Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Nga nổi tiếng Oleg Klyuev đúc tại thành phố Togliatti. Tượng đài có chiều cao 5m, chiều cao bệ tượng là 4m, trong khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh rộng hơn 2.000m2.

Đến khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh ở Ulyanovsk, ngoài đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An còn có Thống đốc tỉnh Ulyanovsk Sergei Morozov, Thị trưởng thành phố Ulyanovsk Sergei Panchin và nhiều lãnh đạo chủ chốt thành phố. Thống đốc S.Morozov nhấn mạnh ý nghĩa việc khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là mốc đánh dấu kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa tỉnh Ulyanovsk và tỉnh Nghệ An và mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga.

Tại nước Nga đã diễn ra nhiều sự kiện nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 3/2018, tại Saint Peterburg đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 95 năm ngày Nguyễn Ái Quốc lần đầu đặt chân đến Petrograd. Những ngày này, tại thủ đô Moskva đang diễn ra Triển lãm “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt - Nga”. Ông Ngô Đức Mạnh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga ngày 17/5 cho biết ông hiện đang có mặt tại Saint Peterburg để tham dự các hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến nước Nga.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Klyuev chia sẻ rằng các công việc kéo dài hai năm với nguồn cảm hứng sáng tạo tràn đầy. "Tôi luôn có ý thức trách nhiệm to lớn với công việc được giao.

Các bạn Việt Nam đã giành sự giúp đỡ to lớn, gửi cho tôi số lượng lớn các hình ảnh của vị lãnh tụ Việt Nam, kể lại về cuộc đời, thói quen và sở thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong hoạt động sáng tạo của tôi khi đảm bảo kết quả cuối cùng là không chỉ công việc của riêng tôi mà nỗ lực của cả tập thể".

Ngày 11/2017, báo “Tin tức Vladivostok” đưa tin tại kỳ họp của Uỷ ban văn hóa và nghệ thuật của thành phố Vladivostok đã thông qua quyết định dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.

Các đại biểu Ủy ban đều cho rằng việc xây dựng tượng đài sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Nga - Việt, đồng thời sẽ thu hút thêm nhiều người đến thăm thành phố xinh đẹp từng lưu dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các năm 1924, 1927 và 1934.

Nhà báo Alexei Syunnerberg cho biết thêm: “Chính Vladivostok là nơi Bác Hồ đã tới vào đầu năm 1934, thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát Anh, sen đầm Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch sau khi Người ra khỏi nhà tù ở Hồng Kông.

Tại Vladivostok ông bắt đầu giai đoạn sống thứ ba trước cách mạng ở Liên Xô kéo dài gần 5 năm, công tác tại Quốc tế Cộng sản và soạn thảo chiến lược, chiến thuật cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam”.

Tác giả của tượng đài là nhà điêu khắc Pyotr Chegodaev, vốn đã thành danh với một số công trình tượng đài trong thành phố. Bức tượng sẽ thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài, tay đặt lên cuốn sách.

Được biết tượng đài Hồ Chí Minh sẽ được đúc bằng đồng, chiều cao tượng là 71cm. Trên bệ đá hoa cương trắng chiều cao 110cm sẽ khắc dòng chữ vàng bằng tiếng Việt và tiếng Nga - "Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới".

Chiều cao tổng cộng tính cả bệ tượng là 216cm. Khu vực xung quanh với diện tích 250m2 sẽ lát toàn đá granit màu xám, được khai thác từ tỉnh Nghệ An quê hương Bác Hồ.

Như vậy, đây sẽ là tượng đài Hồ Chí Minh thứ tư được dựng trên xứ sở bạch dương.

Quảng trường Hồ Chí Minh với không gian rộng rãi, nhiều cây xanh, bồn hoa nhiều màu sắc đã trở thành địa chỉ gần gũi và thân quen đối với những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước Nga. Ngày lễ, sinh nhật Bác, người Việt ở Nga vẫn có truyền thống đến đây đặt hoa và tưởng nhớ tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi lần sang thăm Nga cũng coi việc tới đặt hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong chương trình hoạt động.