20/01/2025 | 00:57 GMT+7, Hà Nội

Những thay đổi cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Cập nhật lúc: 07/07/2020, 10:00

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đánh giá là kỳ thi đặc biệt, bởi năm nay học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19 và kỳ thi cũng được chuyển hóa từ kỳ thi quốc gia thành thi tốt nghiệp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đánh giá là kỳ thi đặc biệt, bởi năm nay học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19 và kỳ thi cũng được chuyển hóa từ kỳ thi quốc gia thành thi tốt nghiệp. Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT có thêm nhiều biện pháp để phòng chống gian lận thi cử…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có nhiều thay đổi so với các kỳ thi trước. Ảnh minh họa: Q.Anh

Có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh

Còn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chính thức được diễn ra. Năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trở lại sau nhiều năm được tổ chức thành kỳ thi THPT Quốc gia dù mục đích chính vẫn là xét tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT cho biết, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các khâu tổ chức thi được giao về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ chỉ đóng vai trò ra đề thi, thanh tra kỳ thi…

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi năm nay có điểm mới là thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD&ĐT huy động lực lượng hơn 6.000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi của Bộ GD&ĐT, nội dung thanh tra, kiểm tra, bao gồm: Công tác chuẩn bị tổ chức thi; công tác coi thi; công tác chấm bài thi tự luận; công tác chấm bài thi trắc nghiệm; việc xử lý các bài thi vi phạm Quy chế thi và cập nhật điểm thi vào Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2020; công tác phúc khảo bài thi tự luận; công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Một điểm mới nữa trong kỳ thi năm nay, đó là lực lượng công an sẽ có mặt trong vòng 1 (vòng in sao đề thi). Những năm trước, lực lượng này chỉ tham gia ở vòng 2 (vòng bảo vệ trong) và vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài). Khu vực in sao đề thi là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập tại khu vực in sao đề thi. Người không có trách nhiệm, tuyệt đối không được vào khu vực in sao đề thi.

So sánh điểm thi với điểm học bạ

Bên cạnh việc tăng cường bảo mật đề thi, bài thi và quy trình chấm thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thêm các phương án nhằm phát hiện gian lận thi cử. Cụ thể, các bài thi tự luận của thí sinh sẽ được chấm kiểm tra, chấm thẩm định nhằm phát hiện ra những sai sót trong chấm thi của giám thị chấm thi, cũng như điểm số bất thường. Quy chế kỳ thi nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.

Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam. Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh". Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ sẽ tổ chức so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh. Đó là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục, song cũng đặt ra vấn đề về sự thực chất. Từ đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.

Về so sánh điểm thi với điểm học bạ của thí sinh, một số nhà quản lý giáo dục cho rằng, đây chủ yếu là để tham khảo giữa điểm thi và điểm học của thí sinh. Chất lượng điểm thi cũng góp phần làm rõ xem điểm học bạ là thực chất hay "ảo", chứ không nhiều tác dụng khi kiểm tra bất thường của việc nâng điểm, vi phạm quy chế thi.

"Thực tế, đã có những giáo viên vì muốn học sinh của mình có thuận lợi trong xét tuyển vào đại học nên vì "thương" học trò mà nâng điểm học bạ, do đó nếu so sánh điểm thi và học bạ để tham khảo chứ khó mà phát hiện hay khẳng định sự bất thường nếu chênh lệch điểm số, chỉ trừ trường hợp điểm học bạ kém mà điểm thi tới 9 - 10 điểm, giống như những trường hợp gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang", lãnh đạo một trường THPT tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) chia sẻ.

Đánh giá về các biện pháp để nhằm hạn chế tiêu cực trong thi cử, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Kỳ thi dẫu có những biện pháp, kỹ thuật bảo mật thế nào cũng là do con người tạo ra. Những trường hợp gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cho thấy, những kẽ hở về bảo mật đã được chính những cán bộ làm công tác thi can thiệp vào điểm số. Do đó, hạn chế gian lận phải đến từ chính những người thực hiện và có một sự kiểm soát, thanh tra chặt chẽ ở mọi khâu".

Đảm bảo an toàn cho thí sinh trong suốt kỳ thi

Liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngày 6/7, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã gửi công văn đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2020 tới Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT-TT, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai...

Trong công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ quan quan tâm, tăng cường phối hợp chỉ đạo để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức an toàn, trung thực, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Chính phủ.

Bộ GD&ĐT đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra các tỉnh cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương. Mục tiêu là tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, bảo đảm tổ chức kỳ thi tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi.

Đối với Bộ Công an, Bộ GDĐT đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh và các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi. Trong đó chú trọng các công việc chủ yếu gồm: Công tác ra đề thi của Bộ GD&ĐT; Công tác in sao đề thi của các sở GD&ĐT; Công tác vận chuyển đề thi; Công tác coi thi và chấm thi; Công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT chỉ đạo để có chính sách ưu tiên bán vé tàu, xe và bảo đảm chế độ miễn, giảm giá vé cho thí sinh đi thi.

Để đảm bảo các vấn đề về an toàn sức khỏe cho thí sinh và những người tham gia công tác làm thi, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các sở Y tế, bệnh viện các tuyến của các tỉnh chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho các trường hợp đau ốm bất thường của thí sinh trong các ngày thi; đồng thời có phương án đề phòng, ngăn chặn dịch COVID -19 và các loại dịch bệnh khác, hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời xử lý các tình huống về dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức các khâu của kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/8. Kết quả kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 27/8. Các trường THPT hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất ngày 30/8. Kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT, hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.