Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 9
Cập nhật lúc: 01/10/2018, 15:20
Cập nhật lúc: 01/10/2018, 15:20
Tại buổi giao ban báo chí của TP. Hà Nội vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh học sinh về chương trình sữa học đường. Theo đó, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở cho hay, đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020. Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.
Theo cơ chế hỗ trợ Đề án sữa học đường trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ50% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%. Đối với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp. Mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/ hộp/180ml. Tức mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng, chỉ tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng.
Đồng thời, ông Tiến cũng cho biết, trước khi chương trình triển khai đến các nhà trường, để khảo sát, nắm bắt nhu cầu của cha mẹ học sinh, chúng tôi truyền đạt rằng chương trình sữa đăng ký là hoàn toàn tự nguyện nhưng có khi hiệu trưởng quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm lại nói với phụ huynh rằng bắt buộc đăng ký và đôi khi các trường lại nghĩ rằng vấn đề này liên quan đến thi đua.
Cụ thể, trong thông tư 16/2018/TT-BGDĐT Bộ GD-ĐT nêu rõ nêu rõ việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, trong thông tư này Bộ GD-ĐT nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị, người đứng đầu cơ sở giáo dục, Hội đồng trường đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thông tư nói rõ trong Điều 13, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Cử đại diện tham gia Tổ tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục để phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc và việc quản lý sử dụng tài trợ tới toàn bộ phụ huynh trong trường.
Cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất. Giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thông tin, ngày 31.8.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); thủ tục hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS thay thế các Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng giáo sư các cấp; kiện toàn Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở và lên kế hoạch triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt sắp tới.
Để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp ngày 18.9.2018, Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét đầu tiên theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg vào đầu năm 2019.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thông báo để các Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp, các cơ sở giáo dục đại học và ứng viên biết và chuẩn bị. Khi có kế hoạch chính thức, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ thông báo lịch cụ thể.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, các đại biểu dự họp thống nhất: Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh minh họa Ngô Chuyên.
Theo đó ông Trinh cũng cho biết thêm, tại cuộc họp cũng có đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong Kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi.
TP. HCM miễn học phí Trung học cơ sở
Theo Chinhphu.vn mới đây, Văn phòng UBND TPHCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong về chủ trương miễn học phí cho bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong thống nhất với đề xuất của liên Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 5878/LS-STC-SGDĐT ngày 28/8/2018 về chính sách miễn học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, giao Văn phòng UBND Thành phố tham mưu, trình UBND Thành phố văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Thành phố được xem xét miễn học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND Thành phố thông qua tại cuộc họp gần nhất theo quy định.
Chiều ngày 4/9, hàng trăm phụ huynh đã tập trung đến trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội) để yêu cầu hiệu trưởng giải trình về 18 khoản thu đầu năm học mới của trường. Theo nhiều phụ huynh, trong 18 khoản thu đó có những khoản thu rất vô lý.
Hàng trăm phụ huynh đã tập trung đến trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội) để phản ánh nhiều khoản thu vô lý.
Trước sự việc đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Trưởng công an huyện và Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, ngay khi có thông tin phản ánh của người dân, huyện đã họp các phòng chức năng xác minh. Ngay trong sáng xảy ra sự việc, hiệu trưởng trường đã giải trình về sự việc. “Quan điểm của lãnh đạo huyện là chỉ thu những khoản theo quy định. Các đơn vị chức năng đang cho kiểm tra và xem xét làm rõ. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý rất nghiêm khắc” – Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức nhấn mạnh.
Cũng trước sự việc này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã giao Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức kiểm tra thông tin, chỉ đạo nhà trường thu đúng, đủ các khoản thu theo quy định. Thành phố nghiêm cấm việc thu ngoài quy định gây bức xúc trong phụ huynh. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức báo cáo thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/9.
Học sinh đi khai giảng qua sông bằng túi nilon; bè…
Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh bước vào làm Lễ khai giảng năm học mới, khác với những trường có điều kiện thuận lợi về địa hình cũng như thời tiết, thì tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc do ảnh hưởng của thiên tai nhiều con đường đến trường bị ngăn cách bởi nước lớn.
Ảnh VOV.
Để đến được trường khai giảng, thầy cô, người dân đã phải dùng bè, thuyền, đặc biệt hơn là cách dùng túi nilon để cho học sinh qua suối để dự Lễ khai giảng năm học mới.
10:32, 01/10/2018
03:00, 01/10/2018
10:41, 27/09/2018
23:41, 22/09/2018