18/01/2025 | 20:05 GMT+7, Hà Nội

Những sai lầm tai hại mẹ thường mắc khi hạ sốt cho trẻ

Cập nhật lúc: 25/07/2016, 20:28

Trẻ bị sốt là tình trạng dễ gặp. Khi con sốt, mẹ thường tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ. Nhưng nhiều người mắc phải những sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ.

Trẻ bị sốt có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể trẻ bị cảm cúm thông thường hay sốt do thay đổi thời tiết... Nhưng cũng có khi, trẻ sốt do virus hay các bệnh nguy hiểm khác.

Trong trường hợp này, nếu không hạ sốt cho trẻ kịp thời và đúng cách có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh, rối loạn thần kinh não, thậm chí có thể hôn mê và tử vong.

Khi thấy con bị sốt, rất nhiều bà mẹ lo lắng và vội vã tìm cách hạ sốt cho con theo kinh nghiệm mà không biết rằng mình đang phạm phải sai lầm.

1. Sờ trán đoán nhiệt độ của con

 Sở trán không thể đoán chính xác mức độ sốt của con

Sở trán không thể đoán chính xác mức độ sốt của con

Đây là thói quen rất phổ biến của các bà mẹ Việt Nam. Khi thấy trẻ quấy khóc, mẹ thường đưa tay lên sờ trán và phán đoán con có bị sốt hay không.

Cách làm này vô cùng sai lầm. Bởi việc đoán nhiệt độ bằng tay không thể biết chính xác mức độ sốt của con để có cách hạ sốt cho trẻ kịp thời và đúng cách.

Do đó, nếu có con nhỏ, trong nhà bạn nên có sẵn một cây nhiệt kế để sử dụng. Khi mẹ cảm thấy thân nhiệt của trẻ cao hơn bình thường, hãy dùng nhiệt kế đo cho con.

Trẻ chỉ được gọi là sốt khi nhiệt kế có các chỉ số: Nhiệt độ trong hậu môn cao hơn 38 độ C, nhiệt độ ở miệng cao hơn 37,8 độ C, nhiệt độ ở nách cao hơn 37,2 độ C.

2. Chườm đá lạnh

Nhiều bà mẹ lại cho rằng chườm đá lạnh sẽ giúp hạ sốt cho trẻ nhanh. Nhưng điều này vô cùng nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm.

Bởi khi bé bị sốt, thân nhiệt tăng cao, nếu mẹ chườm đá lạnh sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, có thể gây bỏng lạnh, thậm chí khiến con bị suy hô hấp.

3. Lau mát cho trẻ bằng rượu, cồn, chanh

Nhiều bà mẹ truyền tai nhau phương pháp hạ sốt cho trẻ bằng cách lau người với rượu, cồn hoặc chanh. Thực tế, cách làm này có thể hiệu quả với một số bé, nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác hại.

Bởi rượu và cồn dù làm mát nhanh nhưng rất nguy hiểm. Bởi trong rượu và cồn có chứa một số hóa chất, khi thẩm thấu qua da dễ khiến trẻ bị ngộ độc, đặc biệt là với những trẻ có sức đề kháng yếu và mẫn cảm.

Tương tự, chanh cũng giúp hạ sốt, nhưng trong chanh có chứa nhiều axit, có thể làm bỏng làn da non nớt của trẻ. Cách tốt nhất là mẹ chỉ nên dùng nước ấm để lau người cho bé.

Trong trường hợp mẹ dùng chanh thì nên pha loãng để tránh gây kích ứng da cho con.

4. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi bị sốt

Lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ uống là một sai lầm tai hại

Lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ uống là một sai lầm tai hại

Trẻ bị sốt có thể do rất nhiều nguyên nhân và không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc hạ sốt. Trên thực tế, việc dùng thuốc thường xuyên và liên tục rất có hại cho sức khỏe của trẻ.

Trong trường hợp con sốt nhẹ từ 37,5 đến 38 độ, mẹ không nên dùng ngay thuốc hạ sốt cho trẻ. Hãy lau người cho bé bằng nước ấm, thay bộ quần áo khác bằng cotton thấm hút mồ hôi, đặt con nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng mát, đắp khăn ẩm lên trán của con và cho bé uống nhiều nước.

Sau đó, mẹ theo dõi tình hình thân nhiệt của bé. Nếu nhiệt độ của cơ thể bé tăng từ 38,5 độ trở lên mới cần dùng thuốc hạ sốt.

Mẹ tuyệt đối không tùy tiện sử dụng những loại thuốc hạ sốt liều cao mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, hoặc uống thuốc hạ sốt liên tục. Bởi điều đó rất nguy hiểm, có thể gây ra phản ứng thuốc, làm nguy hại sức khỏe của con.

Đặc biệt, cha mẹ cần tránh những thực phẩm kiêng kị khi cho trẻ uống thuốc: 6 thực phẩm tuyệt đối không cho trẻ ăn khi uống thuốc. 

5. Ủ quá ấm cho bé

Rất nhiều bà mẹ có tâm lý cần phải ủ ấm cho con, nhất là trẻ sơ sinh, dù đang trong mùa hè. Khi con sốt, mẹ vẫn lo con lạnh nên ủ con bằng nhiều lớp chăn, quần áo.

Cách làm này vô cùng tai hại, bởi nó khiến thân nhiệt trẻ càng tăng cao, nhiệt lượng không thoát ra được có thể làm con lên cơn co giật.

Khi trẻ bị sốt không nên ủ con quá ấm

6. Cạo gió để hạ sốt cho trẻ

Cạo gió là phương pháp dân gian rất phổ biến để hạ sốt. Tuy nhiên, nếu trẻ bị rối loạn đông máu, việc cạo gió sẽ gây nguy hiểm bởi rất khó để cầm máu.

Đặc biệt, nếu trẻ bị sốt xuất huyết mà mẹ cạo gió sẽ khiến bác sĩ không thể xác định được, vùng nào là xuất huyết do bệnh, vùng nào là xuất huyết do cạo gió.

Do đó, đối với trẻ nhỏ mẹ không nên áp dụng phương pháp nàyđể hạ sốt cho trẻ khi chưa biết rõ nguyên nhân sốt.

7. Kiêng nước hoàn toàn

Đây cũng là quan niệm của rất nhiều bà mẹ. Khi con bị sốt, mẹ thường kiêng tắm, kiêng luôn cả việc lau rửa cho con. Nhưng điều này là không cần thiết, thậm chí còn gây hại cho trẻ.

Bởi khi bị sốt, cơ thể con khó chịu, dễ ra mồ hôi. Do đó, mẹ cần vệ sinh cho con bằng nước ấm, để con được sạch sẽ và dễ chịu hơn. Việc này còn giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

Mẹ chỉ cần lưu ý, không để con ngâm mình trong nước lâu, chỉ nên tắm nhanh hoặc lau người bằng nước ấm là được.

8. Hạ sốt cho trẻ đúng cách

- Đo nhiệt độ để xác định chính xác mức độ sốt của con. Nếu con sốt nhẹ 37,5 đến 38 độ, mẹ không nên vội vàng cho con uống thuốc.

Thay vào đó, cho con uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát và chườm khăn ẩm cho con. Có thể cho con uống thêm sữa, nước hoa quả hoặc dung dịch nước biển khô.

- Nếu nhiệt độ của trẻ từ 38,5 độ trở lên, có thể cho con uống một số loại thuốc hạ sốt thông thường với liều lượng thích hợp.

+ Paracetamol: liều dùng từ 10 – 15mg/1kg thể trọng/lần. Sau 4 đến 6 tiếng, trẻ chưa hạ sốt có thể dùng thêm 1 liều. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hoặc dùng kết hợp với thuốc khác khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ, bởi có thể gây ngộ độc cho trẻ.

+ Aspirin: Tuyệt đối không dùng cho trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết. Thuốc có nhiều tác dụng phụ, chỉ nên sử dụng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, thuốc được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi.

+ Ibuprofene: Chỉ dùng để hạ sốt cho trẻ trên 6 tháng tuổi và nên theo chỉ định của bác sĩ, bởi thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt với trẻ bị thủy đậu.

Trong trường hợp trẻ sốt cao co giật, không cố ép con uống thuốc và sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn để tránh làm bé bị sặc thuốc sẽ rất nguy hiểm.