26/11/2024 | 20:24 GMT+7, Hà Nội

Những pha đỡ đẻ rơi "có một không hai" chỉ có ở vùng cao Việt Nam

Cập nhật lúc: 11/03/2019, 21:00

Đỡ đẻ ở bìa rừng, nơi vách núi, phi xe máy tới tận từng nhà sản phụ... là những chuyện hi hữu chỉ xảy ra ở vùng núi cao.

Đỡ đẻ ở bìa rừng

Sáng 9/3, Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê (Hà Giang) nhận được cuộc điện thoại báo có thai phụ chuyển dạ đẻ dọc đường, nguy cơ đẻ rơi. Ngay lập tức, BS Lý Đức Hùng, Trưởng khoa Sản và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mẫn lấy xe máy đi cứu giúp.

 Ca đỡ đẻ ở bìa rừng của Bệnh viện đa khoa Bắc Mê (Hà Giang) ngày 9/3

Ca đỡ đẻ ở bìa rừng của Bệnh viện đa khoa Bắc Mê (Hà Giang) ngày 9/3

Khi bác sĩ Hùng và nữ hộ sinh Mẫn đến hiện trường (là bìa rừng) thì sản phụ Hoàng Thị Sàng (24 tuổi, người dân tộc Dao, ở bản Nà Phịa, xã Yên Phú) đã sinh con. Bé gái nặng 3 kg, nằm ở ven đường. Hai mẹ con được bác sĩ xử trí ban đầu, sau đó đưa lên xe cấp cứu về bệnh viện cấp cứu hậu sản.

Người nhà cho biết, sáng hôm 9/3, khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị Sàng được anh trai chở bằng xe máy từ nhà đến Bệnh viện đa khoa Bắc Mê để sinh con. Tuy nhiên, chưa kịp đến viện, khi mới đi đến bìa rừng thì chị Sàng đã đẻ. Đây là lần sinh con thứ ba của chị Sàng.

Ngay lập tức, bé được ủ ấm bằng khăn do nữ hộ sinh mang từ bệnh viện vì mẹ cháu bé không chuẩn bị bất cứ đồ đạc gì khi đi sinh. Sau khi xử lý xong, bác sĩ Hùng đã gọi xe cấp cứu của bệnh viện đến chở hai mẹ con về viện.

Đỡ đẻ ở khe núi vì sản phụ không may rơi xuống vực

Trước đó, một ca đỡ đẻ "có một không hai" cũng được các bác sĩ của bệnh viện này xử trí thành công vào cuối tháng 1/2019 (26 Tết Nguyên đán)

 Khi đội cấp cứu đến nơi thai phụ đã chuyển dạ và sắp sinh, nên cán bộ y tế tiến hành đỡ đẻ ngay tại khe núi.

Khi đội cấp cứu đến nơi thai phụ đã chuyển dạ và sắp sinh, nên cán bộ y tế tiến hành đỡ đẻ ngay tại khe núi.

Khi ấy sản phụ Giàng Thị Thao (38 tuổi, mang thai lần 5) khi đang trên đường đi đến bệnh viện sinh con, xe máy chở hai vợ chồng chị Thao chạy với tốc độ nhanh nên cả 2 vợ chồng và xe máy rơi xuống khe núi, có độ sâu khoảng 8-10m. May mắn được người đi đường thấy nên gọi cấp cứu tới BVĐK Bắc Mê (Hà Giang).

BS Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc BVĐK huyện Bắc Mê cho biết, nhận được tin báo của người đi đường, bệnh viện đã cử 1 đội cấp cứu lưu động đến hiện trường. Khi đội cấp cứu đến nơi, thai phụ đã chuyển dạ và sắp sinh, nên cán bộ y tế tiến hành đỡ đẻ ngay tại khe núi. Bé gái nặng 3 kg hồng hào, khoẻ mạnh. Sau đó, hai mẹ con đã được đưa về BVĐK Bắc Mê để chăm sóc sau sinh. Em bé và mẹ sức khoẻ đều ổn định.

Giám đốc BVĐK huyện Bắc Mê cũng thừa nhận đây là cấp cứu "quá hi hữu" mà các bác sĩ nơi đây gặp phải.

Phi xe máy tới tận nhà đỡ đẻ

Đây là lần sinh thứ 2 cuả chị T.T.Đ (22 tuổi, thị trấn Mộc Châu, Sơn La). Trước đó, do chưa đến ngày dự sinh, khi bị đau bụng lâm râm, chị nghĩ do tiêu hoá nên định uống thuốc. Chưa kịp uống thì chị có cơn đau dồn. Vì không kịp đến viện, gia đình chị Đ vội vàng gọi điện đến đường dây nóng của Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu.

Nhận được điện thoại về trường hợp cấp cứu sản phụ đau đẻ tại nhà, ngay lập tức được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Trưởng khoa Sản, Phòng điều dưỡng cùng phối hợp lập tức có mặt tại gia đình, thăm khám và tiên lượng cuộc đẻ ngay tại nhà.

 Dưới sự hỗ trợ của các y, bác sĩ, sản phụ đã sinh nở mẹ tròn con vuông. Em bé nặng 3kg.

Dưới sự hỗ trợ của các y, bác sĩ, sản phụ đã sinh nở "mẹ tròn con vuông". Em bé nặng 3kg.

Khi kíp bác sĩ đến nhà sản phụ Đ, tử cung chị đã mở hoàn toàn không kịp đưa vào bệnh viện nên các bác sĩ đã cho sản phụ sinh ngay tại nhà.

Đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện về tận nhà sản phụ đỡ đẻ. Trước đó đường dây nóng của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cũng nhận được cuộc gọi khẩn từ người dân tại bản Sa Lú, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu về việc thai phụ Vàng Thị Dâu đẻ tại nhà, đã vỡ ối từ tối hôm trước.

Theo BSCK II Vy Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La do tập quán nên một số sản phụ người dân tộc thiểu số không lên cơ sở y tế để sinh con mà chọn cách đẻ tại nhà, dẫn đến tai biến sản khoa, trong đó có băng huyết. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tình trạng đã nặng nề.

BS Kỳ cho hay Bệnh viện này đã thành lập một kíp trực thường trú sẵn sàng lên đường cấp cứu khi nhận được cuộc gọi vào đường dây nóng của người dân, cấp cứu thành công nhiều trường hợp ngoại viện (tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt, sản khoa...).

T.Nguyên