23/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Những kênh đầu tư nào đang “hút tiền” nhất hiện nay?

Cập nhật lúc: 02/06/2021, 06:30

Hiện nay, tại Việt Nam có thể thống kê được 5 kênh (lớp tài sản) đầu tư chính mà người Việt hay "đổ tiền" vào nhất gồm: Bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, trái phiếu và vàng.

Đây là những lớp tài sản chính quy được pháp luật và Nhà nước công nhận và bảo vệ, cũng như có những thống kê đầy đủ, cụ thể về quy mô và đặc tính dòng tiền đầu tư vào.

Đầu tư vàng - 500 tấn vàng trong két nhà đầu tư

Vàng là một hình thức đầu tư tài chính có từ rất lâu và được người Châu Á rất ưa chuộng. Sỡ dĩ kênh đầu tư vàng được nhiều người ưa chuộng bởi tính phổ biến, đơn giản cũng như không yêu cầu vốn nhiều.

Những dấu hiệu lạm phát bùng lên gần đây đã đẩy giá vàng tăng lên lại ngưỡng 1.900 USD/ounce trên bình diện toàn cầu.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/5/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 4,38% so với tháng 4/2021.

Đầu tư vàng – 500 tấn vàng trong két nhà đầu tư
Đầu tư vàng - 500 tấn vàng trong két nhà đầu tư

Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng; đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá.

Bên cạnh đó, những thông tin và số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra rằng, có khoảng hơn 500 tấn vàng đang nằm trong két sắt người dân, tức khoảng gần 20 tỷ USD đang nằm “bất động” và chiếm tỷ trọng hơn 7% so với GDP 2020. Đây là một nguồn lực tiềm ẩn tốt cho nền kinh tế nếu như có phương án định hướng dịch chuyển qua sản xuất kinh doanh. Điều này vẫn làm đau đầu Chính phủ và NHNN trong nhiều năm qua bởi các điểm nghẽn về niềm tin đồng nội tệ và lạm phát vẫn chưa thật sự tạo ra sự yên tâm với nhóm nhà đầu tư cổ điển này.

Có thể thấy trong mấy tuần qua, thị trường vàng liên tục tăng giá, giá vàng liên tục phá vỡ các kỷ lục trước đây, sau đó giá lại lao dốc, rồi lại tăng rồi lại lao dốc. Không một nhà đầu tư nào, dù là nhiều kinh nghiệm đến đâu đi nữa có thể tự tin cầm chịch "cuộc chơi" giá vàng.

Đầu tư bất động sản - Tiền “chảy” vào bất động sản tăng 12%

Bất động sản một kênh đầu tư mang đến nhiều lợi nhuận hấp dẫn cho người tham gia. Với sự phát triển theo hướng đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, kênh đầu tư này được xem là món hời dài hạn.

Bóc tách dư nợ được thống kê thông qua hệ thống ngân hàng thì kênh bất động sản vẫn đang là tài sản được người Việt phân bổ tỷ trọng tiền lớn nhất. Với quy mô lên đến khoảng 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế - tương đương với khoảng 80 tỷ USD/ tổng quy mô dư nợ nền kinh tế là hơn 9,2 triệu tỷ đồng, theo thống kê tính đến tháng 2/2021.

Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến cuối quý I/2021, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3% so với cuối năm 2020, mức tăng này cao hơn so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung các ngành kinh tế trong quý I/2021 (2,93%). Trước đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS cuối tháng 2/2021 là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó kinh doanh BĐS tăng 2,82%).

Tiền đổ nhiều vào BĐS, mà tín dụng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, cho nên thực tế từ đầu năm nay, thị trường nhà đất trở nền nóng hầm hập, trong đó có những nơi giá trị BĐS tăng tới 200%.

Trong tương lai gần, với sự tập trung hoá quỹ đất vào các tay ông lớn cũng như tư duy thế hệ Gen Z, đi kèm với định hướng của Chính phủ về đánh thuế, dòng vốn đầu tư sẽ giảm dần ở lớp tài sản này và chuyển qua những lớp tài sản khác tiềm năng hơn là tất yếu.

Đầu tư chứng khoán - Tài khoản mở mới cao kỷ lục

Trong tháng 1/2021, theo số liệu công bố từ Trung tâm lưu ý Chứng khoán ghi nhận 86.107 tài khoản cá nhân trong nước. Tháng 3, số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tiếp tục tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường.

Bước sang tháng 4, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới thêm 109.998 tài khoản mới, dù thấp hơn một chút so với tháng 3 nhưng vẫn là tháng thứ 2 đạt ngưỡng trên 100.000 tài khoản và kỷ lục mở của tháng tư hàng năm. Tiền mới trong nước đồ vào vô biên đã khiến HOSE liên tục rơi vào tình trạng “đơ”, nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc những phiên đầu năm.

Ngày 20/4, chỉ số VNIndex tiếp tục thiết lập đỉnh mới lịch sử ở mức 1.268,28 điểm với giá trị giao dịch trong ngày đạt 22.464 tỷ đồng. Phiên giao dịch 25/5, VnIndex lập đỉnh cao mới ở 1.308,58 điểm. Bên cạnh đó, tiền đổ vào VN30 như thác lũ cũng đẩy chỉ số Vn30 Index và HN30 Index lên đỉnh lịch sử mới lần lượt 1.400 điểm và 300 điểm.

Theo số liệu thống kê từ cuối quý I/2020 tới nay, dư nợ cho vay margin (ký quỹ) đã tăng lên gần gấp 3 lần với số liệu được Lãnh đạo UBCK Nhà nước công bố là gần 110 ngàn tỷ.

Động cơ nội tại của sức hút này tới từ nhóm nhà đầu tư F0 đã tăng trưởng không ngừng nghỉ trong thời gian qua. Đây lại cũng là hệ quả của những hoạt động giãn cách xã hội, chu kỳ tiền rẻ và hiệu ứng truyền thông. Những điều này đã góp phần đưa TTCK Việt trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực trong gần nửa đầu 2021, với quy mô vốn hoá 3 sàn đã gần bằng GDP 2020.

Gửi tiết kiệm - Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng 55%


Gửi tiết kiệm - Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng 55%

Lớp tài sản thứ 4 là gửi tiết kiệm. Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, một số ngân hàng bắt đầu có động tăng lãi suất huy động sau một thời gian dài điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2 điểm %.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng cũng tăng mạnh. Điều này thể hiện rất rõ hệ quả của giãn cách xã hội bởi đại dịch đang thúc đẩy các hoạt động giao dịch, đầu tư online và xu hướng số hoá về mọi mặt của hệ thống ngân hàng. Theo đó, tiền gửi thanh toán của người dân tại các ngân hàng tăng vọt.

Lượng tiền gửi cũng tăng mạnh so với cùng kỳ theo năm trong một bối cảnh đại dịch cho thấy ngân hàng đang “hút” nhiều hơn các nguồn lực trong dân chúng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối quý I/2021, có hơn 104 triệu tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng với số dư hơn 741.000 tỷ đồng, tăng tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cũng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tiền gửi chung của hệ thống (bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn).

Trong vòng 5 năm qua, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần và đặc biệt tăng mạnh kể từ năm 2020 - 2021.

Cụ thể, so với cuối quý I/2020, tiền gửi thanh toán cá nhân tại các ngân hàng đã tăng tới 55%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của tiền gửi của dân cư nói chung trong giai đoạn từ cuối tháng 3/2020 đến hết tháng 2/2021 chỉ ở khoảng hơn 5,5%.

Có thể thấy, mặc dù mảng tiết kiệm ít hấp dẫn bởi lãi thấp nhưng vẫn là một lớp tài sản rất đặc thù dựa trên quy mô lớn, cũng như sự năng động từ chính các nhà băng này.

Trái phiếu doanh nghiệp - Phát triển “nóng” do lãi suất hấp dẫn

Theo FiinGroup, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn, và kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn sẽ phát triển mạnh trong năm 2021 và các năm tới đây. Tuy nhiên, quy mô phát hành trong năm 2021 sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể.

Hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP, vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng dồi dào khi so sánh với người láng giềng Thái Lan hay Malaysia hoặc Singapore. Với mức lãi suất trung bình trên 10% và đi kèm tài sản đảm bảo thì nhóm bất động sản vẫn là nhóm ngành hút tiền nhất của dòng tiền đầu tư vào kênh trái phiếu này.

Kế đến là nhóm ngân hàng với lãi suất rẻ hơn bởi đặc thù uy tín của mình. Kênh trái phiếu phát triển tốt sẽ mang lại nhiều lựa chọn về phân bổ tài sản hơn cho giới đầu tư trong tương lai và giảm bớt gánh nặng lên dư nợ của nhóm ngân hàng - một định hướng hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

Nguồn: https://congluan.vn/nhung-kenh-dau-tu-nao-dang-hut-tien-nhat-hien-nay-post136558.html