24/01/2025 | 07:42 GMT+7, Hà Nội

Những dự án động lực giúp Gia Lai thành “đầu tàu” của Tây Nguyên

Cập nhật lúc: 20/05/2021, 13:30

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Gia Lai năm 2020 khá cao, đạt 7,55%. Tỉnh này cũng đề ra chương trình phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, mưa bão, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Gia Lai vẫn hoàn thành nhiệm vụ đề ra.   

Nhiều tiềm năng chờ “đại bàng” về làm tổ

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào các khu, điểm du lịch. Chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa - lịch sử... theo hướng bền vững. Chính quyền xác định cụ thể sản phẩm du lịch của tỉnh, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt 16,8%, tổng doanh thu du lịch đến năm 2025 đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%.

Ưu tiên đầu tư hoàn thiện Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya (đã được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia), Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên - du lịch sinh thái Kon Chư Răng, Sân Golf Đak Đoa, Công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai, Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku), Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ - Di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi (huyện Phú Thiện), điểm du lịch hồ Ia Ly…

Gia Lai sẽ thành đầu tàu của Tây Nguyên dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Ảnh Đại Ngàn
Gia Lai sẽ thành đầu tàu của Tây Nguyên dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Ảnh Đại Ngàn

Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng một số hạ tầng quan trọng như: Cổng Quốc môn, các Quốc lộ 14, 19, 25, 19C, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thành phố Pleiku, đoạn tránh thị trấn Chư Sê; đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông...; Hồ chứa nước Plei Thơ Ga, Hồ chứa nước Tầu Dầu 2, thủy lợi Plei Keo...

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Gia Lai cũng đã tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận “công viên địa chất toàn cầu” và khai quật di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đá cũ lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam tại thị xã An Khê.

Tạo cú hích cho dịch vụ, du lịch phát triển

Dự án Khu Công nghiệp nam Pleiku khi hoàn thành sẽ thu hút được các dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp (Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, chế biến nước ép trái cây, chế biến nông lâm sản, sản phẩm từ nông sản có giá trị...) góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm...

Dự án sân golf Đắk Đoa sau khi được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Gia Lai, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, đồng thời góp phần đáp ứng các nhu cầu giải trí phát triển thể lực cộng đồng, giải quyết việc làm cho người lao động.

Gia Lai
Dự án sân golf được hy vọng sẽ giúp vùng đất cao nguyên phát triển, thu hút nhà đầu tư tầm cỡ. Ảnh Đại Ngàn

Ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho biết dự án sân golf sẽ tạo ra quỹ đất xanh, tạo thêm các công trình công cộng, khu làm việc và dịch vụ thương mại văn minh hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao của người dân và du khách. Chủ đầu tư cam kết sử dụng lao động địa phương và ưu tiên sử dụng lao động trong khu vực bị thu hồi đất, dự kiến sử dụng khoảng 1.000 lao động.

“Số cây thông trong vùng dự án sẽ được giữ lại phần lớn, chỉ dịch chuyển ở các đường lăn của bóng, khu vực kỹ thuật hạ tầng và được trồng bổ sung ở các khu vực phù hợp. Toàn bộ tiền thu được từ cây thông và kinh phí trồng rừng thay thế sẽ được tỉnh bổ sung cho trồng mới rừng ở các vị trí khác theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Dự án này đã được triển khai trên cơ sở đánh giá đầy đủ hiệu quả trên nhiều mặt, đặc biệt là cân bằng giữa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường; lợi ích của nhà nước - người dân - doanh nghiệp”, ông Hồ Phước Thành nói.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nhung-du-an-giup-gia-lai-thanh-dau-tau-cua-tay-nguyen-20201231000002238.html