19/01/2025 | 10:03 GMT+7, Hà Nội

Những chính sách xây dựng nhà mới và mua nhà cần lưu ý trong năm 2022

Cập nhật lúc: 29/12/2021, 13:39

Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng buộc phải tập trung xem xét chọn những dự án đầu tư có hiệu quả, chủ đầu tư đủ năng lực và khả năng sinh lời, ngân hàng mới cho vay.

Trong bối cảnh hiện nay, hiếm có DN BĐS nào làm dự án mà không vay vốn ngân hàng. Trong những năm qua, Luật Nhà ở có nhiều thay đổi nhưng luôn tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, các ngân hàng buộc phải tập trung xem xét chọn những dự án đầu tư có hiệu quả, chủ đầu tư đủ năng lực và khả năng sinh lời, ngân hàng mới cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành hàng loạt các Thông tư nhằm hạn chế thực trạng trên.

Chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng để xây nhà

Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực với nhiều điều chỉnh liên quan đến chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội từ ngày 20/1/2022. 

Thông tư này quy định khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay (bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay).

Chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng để xây nhà
Chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng để xây nhà (Ảnh: Internet)

Được vay đến 25 năm để xây nhà mới

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 về thời hạn cho vay như sau: Đối với đối tượng khách hàng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này là đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. 

So sánh tại Thông tư 25/2015/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm, không quy định thời hạn vay tối đa.

Được vay đến 25 năm để xây nhà mới
Người dân được vay đến 25 năm để xây nhà mới (Ảnh: Internet)

Về lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ, Thông tư 20 cũng làm rõ quy định: Không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ, thay vì chỉ quy định không quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

Đồng thời, Thông tư 20 đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; kể từ ngày 20/01/2022, đối tượng được vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội chỉ gồm: Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Khoản 1, Điều 15. Đối tượng được vay vốn:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá khung giá cho thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

c) Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán.

Được vay lãi suất 4,8%/năm để mua nhà

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Theo đó, mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo qui định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 4,8%/năm. Mức lãi suất này không thay đổi so với 2021 nhưng đã giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019 và 2020.

Mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất 4,8% năm vẫn được áp dụng trong năm 2022
Mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất 4,8%/năm vẫn được áp dụng trong năm 2022 (Ảnh: Internet)

Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 2196/QĐ-NHNN ngày 24/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Theo Thông tư 11, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Việc dự thảo thông tư quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 3 tỷ đồng, áp dụng hệ số rủi ro 150%; từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%; dưới 1,5 tỷ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số rủi ro 50% nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội (phân khúc đang thiếu nguồn cung). Đây là lộ trình rất phù hợp, do đó dự thảo thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản./.

Theo Điều 147 – Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Cùng với đó, theo quy định của Điều 56 – Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nhung-chinh-sach-xay-dung-nha-moi-va-mua-nha-can-luu-y-20201231000004875.html