19/01/2025 | 13:09 GMT+7, Hà Nội

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/9/2015

Cập nhật lúc: 31/08/2015, 07:14

Nhiều chính sách mới như: Khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT; Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu; Mọi học sinh đã tốt nghiệp THCS đi học trung cấp đều được giảm 50% học phí; Hộ cận nghèo được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài; Lao động dôi dư tại công ty Nhà nước được hưởng 3 tháng lương/năm nghỉ hưu sớm… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2015.

Quy định về giảm học phí

Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được giảm 50% học phí thay vì chỉ học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp mới được hưởng quyền lợi này.

Về phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập, Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh THCS;

Sở giáo dục và đào tạo chi trả cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả. Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1-9 quy định.

Quy định về sử dụng xe công

Theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21-9, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 1 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.

Ngoài ra, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá.

Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đó mà không được mua thêm xe mới.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng

Người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của NLĐ là tối đa 5 lần lương tối thiểu.

Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng này tối đa không quá 5 lần lương cơ sở. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động của NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.

Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH này có hiệu lực từ ngày 15-9, các chế độ quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 1-1-2015.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/9. Ảnh minh họa.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/9. Ảnh minh họa.

Lương đối với lao động dôi dư

Khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, người lao động dôi dư sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu sớm; được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu sớm và 1 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

Để được hưởng những quyền lợi này, người lao động phải đáp ứng các điều kiện: Được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21-4-1998 hoặc trước ngày 26-4-2002; có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; từ đủ 55 - 59 tuổi đối với nam hoặc từ đủ 50 - 54 tuổi đối với nữ.

Riêng với lao động nam dôi dư trên 59 tuổi - dưới 60 tuổi, lao động nữ trên 54 tuổi - dưới 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội. Nghị định 63/2015/NĐ-CP; có hiệu lực từ ngày 15-9 quy định.
Xử lý bưu gửi không phát được

Từ 15-9, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải công khai thông tin đối với bưu gửi không phát được cho người nhận và không hoàn trả cho người gửi tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh, thành phố và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có) trong thời hạn tối thiểu 3 tháng.

Sau thời hạn nêu trên, việc xử lý bưu gửi được thực hiện bởi Hội đồng xử lý bưu gửi không có người nhận. Trường hợp bưu gửi là tiền sẽ được bàn giao cho doanh nghiệp hạch toán theo quy định của pháp luật; nếu bưu gửi là vật phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp được quyền bán, tiêu hủy, làm từ thiện hoặc xử lý theo hình thức khác.

Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC quy định về xử lý bưu gửi không có người nhận có hiệu lực từ ngày 15-9 quy định.

Tăng phí công chứng hợp đồng

Từ ngày 29/9, mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền, phí công chứng di chúc sẽ tăng từ 40.000 đồng/trường hợp lên 50.000 đồng/trường hợp; tương tự, phí công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng tăng từ 20.000 đồng/trường hợp lên 25.000 đồng/trường hợp so với quy định cũ.

Ngoài ra, mức phí công chứng bản dịch là 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất; trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ hai trở lên thu 5.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất và trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 3.000 đồng/trang nhưng mức tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Thông tư liên tịch 115/2015/TTLT-BTC-BTP quy định.

Ngân hàng không được mua lại khoản nợ đã bán

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; và đặc biệt, không được mua lại các khoản nợ đã bán. Thông tư 09/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9.

Thời gian đào tạo nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô

Từ ngày 1-9, Bộ Giao thông Vận tải cho phép người chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng GPLX ô tô; tuy nhiên chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

Ngoài ra, để nâng hạng GPLX C, D, E lên FC, người học phải có thời gian hành nghề từ 01 năm và có từ 50.000km lái xe an toàn trở lên. Thời gian đào tạo với trường hợp nâng hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E lên FC là 272 giờ, trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ thực hành lái xe. Các trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Thông tư 30/2015/TT-BGTVT quy định.

Miễn phí THA dân sự

Người có khó khăn về kinh tế, thuộc chuẩn hộ nghèo, được UBND cấp xã nơi cư trú hoặc làm việc xác nhận sẽ được giảm đến 80% phí thi hành án dân sự.

Miễn phí THA dân sự đối với người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc diện neo đơn được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận; người thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài, có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám, chữa bệnh cấp huyện trở lên xác nhận.

Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 1-9.

Từ 1/9, khám chữa bệnh ngày nghỉ, lễ được thanh toán BHYT. Ảnh minh họa.

Từ 1/9, khám chữa bệnh ngày nghỉ, lễ được thanh toán BHYT. Ảnh minh họa.

Khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT

Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế và Tài chính có hiệu lực từ ngày 01-09-2015 đã điều chỉnh nội dung về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Nếu như trước đây, chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế phải tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, người khám, chữa bệnh mới được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; thì kể từ tháng 9/2015, cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải vì lý do quá tải, người khám, chữa bệnh vẫn hưởng quyền lợi này.

Tuy nhiên, trước khi tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, cơ sở y tế phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT.

Được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài

Từ ngày 1-9, người lao động thuộc hộ cận nghèo hoặc là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định.

Thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của NLĐ ghi trong hợp đồng ký kết giữa NLĐ và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất vay vốn được áp dụng trong trường hợp này bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn. Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định.

Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại

Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) quy định điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại như sau:

- Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.

- Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.

- Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một Giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.

- Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 36/2015/TT-BTNMT thay thế Thông tư 12/2011/TT-BTNMT.

Kê khai thuế điện tử

Người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình thực hiện; khi đã hoàn thành giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng.

Để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế phải có chứng thư số đang còn hiệu lực, trừ trường hợp thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế; trường hợp đang sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử vì chưa được cấp chứng thư số hoặc trường hợp thực hiện nộp thuế điện tử bằng giao dịch ngân hàng thông qua các hình thức thanh toán điện tử như Internet banking, Mobile banking, ATM… Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực ngày 10-9./.