19/01/2025 | 10:29 GMT+7, Hà Nội

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/7

Cập nhật lúc: 30/06/2016, 19:45

Kể từ ngày 1/7/2016, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, theo đó, quy định người bị tạm giam không được bầu cử chính thức xóa bỏ, các binh sĩ xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển vào viên chức quốc phòng, tiến hành trưng cầu ý dân vấn đề quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ,...

Dưới đây là 6 chính sách mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/7/2016:

Siết chặt luật an toàn thông tin mạng

Kể từ 1/7, Luật An toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực. Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đồng thời, hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong thông tin mạng được quy định bao gồm:

  • Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng
  • Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo
  • Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác
  • Lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân

Nội dung chi tiết Luật An toàn thông tin mạng xem tại đây

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/7 

Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực

Cũng từ ngày 1/7, Luật Trưng cầu ý dân sẽ có hiệu lực. Luật này quy định về việc trưng cầu ý dân, nguyên tắc trưng cầu ý dân, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân, trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân, kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân...

Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.

Nội dung chi tiết Luật trưng cầu ý dân xem tại đây

Ưu tiên tuyển binh sĩ xuất sắc vào viên chức quốc phòng

Từ ngày 1/7, Luật quân nhân chuyên nghiệp chính thức có hiệu lực. Luật này quy định về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, nguyên tắc tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ và biên chế của Quân đội nhân dân; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bình đẳng giới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đúng vị trí việc làm, chức danh và đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Ngoài ra, những hạ sĩ quan, binh sĩ có thành tích xuất sắc phục vụ trong Quân đội nhân dân; người có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; người có tài năng; người dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển chọn, tuyển dụng vào quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Nội dung chi tiết Luật Quân nhân chuyên nghiệp xem tại đây

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được áp dụng

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Nội dung chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam xem tại đây

Luật Tố tụng dân sự có hiệu lực

Bộ luật Tố tụng dân sự chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7 (trừ các quy định của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017).

Bộ luật này áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời…

Theo đó, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của Thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào.

Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật cũng quy định rõ quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Theo đó, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Chi tiết nội dung Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 xem tại đây

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội được áp dụng

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Luật này quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Trong luật quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận.

Với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nội dung chi tiết Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND xem tại đây