04/12/2024 | 00:11 GMT+7, Hà Nội

Những chiêu trò né thuế của dân bán hàng online

Cập nhật lúc: 19/12/2020, 10:40

Ngày 5/12, Nghị định 126 bắt đầu có hiệu lực trong đó quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý Thuế khiến nhiều dân buôn nhất là người kinh doanh online và hàng xách tay lo ngại, phải tung chiêu né thuế.

Muôn vàn cách trốn thuế của dân buôn

Cụ thể, Nghị định 126 quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Các thông tin này bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế, người mở tài khoản và ngày đóng tài khoản.

Vì vậy, những người kinh doanh online sẽ được rà soát do có thu nhập từ môi trường trực tuyến. Nhiều hội nhóm, diễn đàn của những người này đang rầm rộ chia sẻ các mẹo để trốn thu thuế từ cơ quan chức năng.

Nhiều hội nhóm, diễn đàn của những người này đang rầm rộ chia sẻ các mẹo để trốn thu thuế từ cơ quan chức năng. (Ảnh: zing)

Các tài khoản của người bán hàng trực tuyến giờ đây đã kín đáo hơn trước, không còn những dòng trạng thái khoe các đơn hàng, doanh thu mỗi ngày, mỗi tháng nữa. Các bài đăng, livestream về nội dung liên quan đến buôn bán trước nay cũng bị xóa sạch để tránh sự chú ý của cơ quan thuế.

Những chủ shop online đồng loạt đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng. Theo đó, người mua hàng khi chuyển khoản số tiền thanh toán qua ngân hàng không cần ghi tiền hàng gì, không nhắc đến từ hàng hóa gì, chỉ cần ghi nội dung “tên” hoặc "tên facebook tặng/cho/chúc mừng em"… và chụp màn hình chuyển khoản là sẽ được xác nhận.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân kinh doanh online ưu tiên thu tiền mặt hoặc chia tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau tránh trường hợp dồn cả vào một tài khoản. Một mẹo lách luật nữa là vẫn đăng ký thuế nhưng kê khai doanh thu thấp dưới 100 triệu đồng/năm.

Mọi hành vi trốn thuế đều sẽ bị tìm ra

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính-thuế cho biết những thay đổi về nội dung chuyển tiền sẽ khiến người mua gặp phải rắc rối nếu có tranh chấp pháp lý sau này. Việc giúp người bán hàng lách luật, trốn thuế sẽ gây ra rất nhiều những hệ lụy phức tạp đi kèm, cần có sự thay đổi căn bản trong luật thuế đối với quà cho tặng và cả ý thức của người dân.

Hiện nay, bán hàng online đã trở thành một kênh kiếm tiền sinh lời rất lớn cho nhiều người, nhưng phần lớn lại không khai báo nộp thuế cho cơ quan chức năng. Trường hợp, ngày 7-7 vừa qua, một kho hàng lậu địa chỉ số 145 Hoàng Diệu (tổ 4, phường Lào Cai), bị các cơ quan chức năng "đột kích" bất ngờ, cho thấy kho này mỗi ngày chốt hàng ngàn đơn hàng và doanh thu lên đến 10 tỷ đồng một tháng nhưng lại không nộp một đống thuế nào. Hay mới đây Tổng cục Thuế đã làm việc một cá nhân có doanh thu từ Google hơn 40 tỷ đồng ở Hà Nội và truy thu thuế cũng như phạt người này 4 tỷ đồng.

Mặc dù bán hàng online đang là kênh kiếm tiền sinh lời cao nhưng nhiều người lại không tự giác nộp thuế gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc này đang gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan thuế và Nghị định 126 ra đời với hy vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cơ quan này trong việc thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin thêm một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.