19/01/2025 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Những cách kiếm tiền không ngờ của IS

Cập nhật lúc: 23/11/2015, 11:44

Theo đánh giá của CNN, tổ chức nhà nước Hồi giáo IS là một tổ chức có nguồn viện trợ tốt nhất trong lịch sử nhân loại.

Viện trợ

Theo đánh giá của CNN, tổ chức nhà nước Hồi giáo IS là một tổ chức có nguồn viện trợ tốt nhất trong lịch sử nhân loại.

Ước tính IS nhận được gần 49 triệu USD trong khoảng 2013-2014 từ những doanh nhân, gia đình giàu có tại Ả-rập Xê-út, Qatar, Cô-oét, các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Theo Brookings Institution, trong năm 2013, nhiều mạnh thường quân ở Cô-oét đã chuyển hàng trăm triệu đô la cho nhiều nhóm nổi dậy ở Syria.

Sau khi cộng đồng quốc tế lên án các quốc gia về việc tài trợ khủng bố, chính quyền Ả-rập Xê-út và các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã có nhiều chính sách hạn chế tình trạng này.

Cướp bóc

Theo thông tin của CNN, tổ chức nhà nước Hồi giáo IS kiểm soát cả một vùng lãnh thổ lớn ở Iraq và Syria, điều hành những "bộ máy" cướp phá như một hình thức kiếm tiền để phục vụ cho mục tiêu lý tưởng nhất, đó là xây dựng một Nhà nước Hồi giáo khổng lồ.

Năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, IS có thể kiếm tới hàng 500 triệu USD mỗi năm (tương đương gần 12.000 tỷ đồng) từ việc cướp bóc các ngân hàng tại khu vực Bắc và Tây Iraq.

Chưa hết, tổ chức này còn có một nguồn thu rất lớn từ việc buôn bán vũ khí và cả con người.

Ngoài ra, chúng còn cướp cả nhà cửa, xe hơi của dân chúng, tháo phụ tùng xe hơi để bán lấy tiền.

Càng chiếm lĩnh được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, chúng càng dễ dàng hơn trong việc cướp phá. Nguồn thu của chúng vì thế cũng càng ngày càng thêm dồi dào.

Bắt cóc con tin

Một nguồn thu "khủng" nữa của tổ chức tàn bạo này đến từ các hình thức bắt cóc con tin.

Vào năm 2014, IS đã kiếm được ít nhất 20 triệu USD từ hành vi cực đoan này.

Dù Mỹ và Anh là nước đã thẳng thừng tuyên bố việc trả tiền chuộc cho hành vi bắt cóc của tổ chức khủng bố là bất hợp pháp nhưng ở những nước châu Âu hoặc các gia đình giàu có tại Ả-rập thì họ vẫn bất chấp thương lượng nếu như người thân của họ nằm trong tay của tổ chức này.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc tháng 10/2014, dự tính IS thu về 35 - 45 triệu USD từ chỉ từ tiền chuộc bắt cóc, chủ yếu là các con tin tại Syria và Iraq.

Thu thuế

Ở những khu vực nào bị IS chiếm đóng, ở đó sẽ có "luật rừng" do chúng đề ra, và tất nhiên, những khoản "luật rừng" này cũng mang lại lợi ích kinh tế cực lớn cho chúng.

Như việc chúng sẽ thu được về một khoản gọi là tiền "bảo kê" đối với những người dân sống trong khu vực bị chúng kiểm soát.

Chúng đánh thuế lên tất cả mọi thứ như hàng hóa, nhu yếu phẩm, điện nước, viễn thông, tiền mặt, lương thưởng, giao thông, khảo cổ, và cộng đồng không phải người Hồi giáo nói chung.

Đơn giản như việc ai đó muốn nuôi 100 con cừu thì phải nộp cho chúng ít nhất là 5 con.

Những khoản "vòi vĩnh" này cũng mang lại cho IS một lượng tiền kha khá, lên tới hàng triệu USD mỗi tháng.

Buôn lậu dầu mỏ

Chưa hết, nhờ việc chiếm lĩnh được những vùng lãnh thổ rộng lớn tại hai quốc gia được xem là nguồn dầu mỏ bất tận của thế giới là Iraq và Syria mà IS cũng kiếm được một khoản tiền khổng lồ từ việc buôn bán nguồn năng lượng này.

Theo CNN, tổ chức nhà nước Hồi giáo IS buôn lậu dầu bằng cách vận chuyển trong các thùng hay các khoang chứa ghép trong xe tải, bán cho một kẻ trung gian và kẻ trung gian này sẽ lại tiếp tục đem bán lại trên chợ đen.

Con số chúng có thể thu về được nhờ "vàng đen" có thể lên tới 100 triệu USD trong năm 2014.

Tuy nhiên, con số này gần đây đang có xu hướng giảm xuống do giá dầu thế giới đang lao dốc, đồng thời Mỹ cũng đã có những trận không kích dữ dội vào các nhà máy lọc dầu mà IS đang kiểm soát tại Iraq và Syria.

Thế nhưng, IS cũng đã có thể đút túi một lượng tiền lớn từ việc hút dầu thô từ lòng đất lên để đem bán, chứ cũng không cần tới những nhà máy lọc dầu này.

Bán đồ cổ

Ít ai biết rằng, IS còn kiếm được những khoản hời từ việc buôn bán những kho báu, vật cổ mà chúng càn quét và cướp phá được.

Theo CNN, một số đồ cổ đã bị phá hủy nhưng số khác được bán lại với giá trên trời tại các chợ nổi ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Đây được xem là nguồn thu lớn thứ hai xếp sau bán dầu mỏ của chúng, với tổng giao dịch mua bán đồ cổ trong một năm có thể lên đến hơn 100 triệu USD.