19/01/2025 | 09:28 GMT+7, Hà Nội

Những biện pháp cần triển khai khi tái đàn lợn sau thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật lúc: 16/08/2019, 19:00

Các hộ chăn nuôi cần nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn về tái đàn lợn để phát triển chăn nuôi sau thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, các hộ chăn nuôi cần nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn về tái đàn lợn để phát triển chăn nuôi sau thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Từ đầu tháng 7-2019 đến nay, diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu phi (DTLCP) có xu hướng giảm nhiều so với đầu vụ dịch. Đạt được kết quả đó là do các cấp chính quyền đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Mật độ chăn nuôi nhất là ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm do lợn bệnh phải tiêu hủy nhiều (khoảng 35 % số hộ, 26 % tổng đàn). Giá lợn hơi tăng nên người chăn nuôi rất tích cực áp dụng các biện pháp phòng dịch để chăn nuôi có hiệu quả.

Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường, nhất là vào dịp cuối năm lưu lượng vận chuyển lưu thông lớn, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, nhiều khả năng bệnh DTLCP tiếp tục bùng phát, bên cạnh đó nguy cơ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm khác là rất cao (như Tai xanh, LMLM, Tụ huyết trùng, Dịch tả cổ điển…).

nhung bien phap can trien khai khi tai dan lon sau thoi diem xay ra dich ta lon chau phi
Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi là một trong những biện pháp các hộ chăn nuôi cần thực hiện khi tái đàn lợn. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong đó có nội dung trọng tâm về việc tái đàn lợn để phát triển chăn nuôi lợn ổn định, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Theo đó, nội dung, mục tiêu cụ thể được đặt ra là tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, lựa chọn thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, an toàn thực phẩm. Không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP khi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định; nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…). Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi; Nên có ô chuồng nuôi cách ly: nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh; Có khu vực thu gom và xử lý chất thải; Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.

Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn.

Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng và thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới. Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.

Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào - cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho lợn. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng. Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng.

Đồng thời, định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Sơn, không để các phương tiện (như xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe thồ…) trong khu chuồng nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.

Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành của thú y. Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.

Để chăn nuôi an toàn, các hộ kinh doanh cần có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch. Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định.Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ. Cần che bạt, bao vây kín ô chuồng hoặc cả chuồng, với lợn nuôi con loại ngay nái và toàn bộ lợn con, đối với các loại lợn khác loại toàn bộ ô chuồng hoặc cả chuồng nếu dịch xảy ra cả chuồng hoăc cả ô chuồng.

Khi có lợn bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không rửa ngay ô chuồng hoặc chuồng lợn bị bệnh, tiến hành che bạt, bao vây kín, phun chất sát trùng đẫm gấp 2 lần bình thường liên tục 3 - 4 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc chuồng kế bên, tiếp tục phun sát trùng 2-3 ngày. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng...

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/nhung-bien-phap-can-trien-khai-khi-tai-dan-lon-sau-thoi-diem-xay-ra-dich-ta-lon-chau-phi-158976.html