18/01/2025 | 12:14 GMT+7, Hà Nội

Nhức nhối tín dụng đen (4): “Quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy rất lớn”

Cập nhật lúc: 06/12/2018, 06:00

Ở góc độ là nhà nghiên cứu tài chính, TS. Cấn Văn Lực đánh giá dù quy mô của tín dụng đen không quá lớn nhưng hệ lụy mà nó gây ra cho xã hội là rất lớn.

Thông tin mới đây về băng nhóm tội phạm tín dụng đen với quy mô lên tới 26 chi nhánh tại 63 tỉnh thành trên cả nước núp bóng Công ty Dịch vụ tài chính Nam Long bị triệt phá như một lời cảnh tỉnh tới các cơ quan quản lý cũng như người dân về sự hoành hành của dịch vụ cho vay nặng lãi trên thị trường hiện nay.

Trước vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực để làm rõ hơn về câu chuyện hệ lụy của tín dụng đen đối với xã hội và làm thế nào để tránh "lưới" tín dụng đen đang giăng mắc khắp nơi.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng cho vay nặng lãi hiện nay hay còn được gọi là tín dụng đen?

TS. Cấn Văn Lực: Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là "tín dụng đen". Chưa có khái niệm nào mô tả chính xác về từ này. Nhưng hầu hết mọi người đang có nhiều cách hiểu không đúng về tín dụng đen.

Nền kinh tế có 2 loại tín dụng là chính thức và phi chính thức. Tín dụng phi chính thức rất rộng và tín dụng đen chỉ là một phần nhỏ trong đó. Để phân biệt, chúng ta gọi tín dụng đen bằng một thuật ngữ khác, có thể là tín dụng phi chính thức, nặng lãi và không theo pháp luật.

Theo TS. Lực thì hệ lụy mà tín dụng đen gây ra cho xã hội là rất lớn. (Nguồn ảnh: Internet)

Theo TS. Lực thì hệ lụy mà tín dụng đen gây ra cho xã hội là rất lớn. (Nguồn ảnh: Internet)

Có 3 loại vay tín dụng đen: Cho vay tiền gộp (ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày); Cho vay nóng (trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định) và Cho vay mua xổ số. Lãi suất cho vay gộp hiện ở mức 60-70%/năm, còn lãi suất vay nóng lên hơn 100%.

Hiện nay, quy mô của tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, rơi vào khoảng 400-500 ngàn tỷ. Quy mô này không quá lớn nhưng hệ lụy xã hội mà nó gây ra là rất lớn.

PV: Thay vì gọi là cho vay nặng lãi hay tín dụng phi chính thức như ông nói, người dân lại quen gọi là "tín dụng đen" như để nhắc đến một hình thức tín dụng trong bóng tối với những điều mập mờ, không rõ ràng và có thể nói là đáng sợ trong mắt những người đi vay. Ông nghĩ sao về điều này?

TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, chúng ta không nên coi tín dụng phi chính thức là xấu, vì người dân vẫn có nhu cầu và chúng ta cũng cần có nguồn cung. Phải bóc tách ra, cái nào tín dụng đen thì ngăn chặn, cái nào đáp ứng nhu cầu chính đáng thì nên khuyến khích.

Tuy vậy, không thể phủ nhận một điều, tín dụng đen đã và đang gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, để góp phần đẩy lùi tín dụng đen thì cần có giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Cho vay với lãi suất "cắt cổ", có những hành vi đe dọa, đòi nợ không khác gì xã hội đen, vậy vì sao tín dụng đen vẫn còn đất sống?

TS. Cấn Văn Lực: Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 có quy định về xử lý, truy tố hình sự với tội tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Luật Dân sự quy định phạt tới 100 triệu, ngồi tù 1-3 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ 3-5 năm.

Tuy nhiên, luật là vậy nhưng có một số nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của tín dụng đen và diễn biến phức tạp của nó gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội. 

Trước hết, đối tượng cho vay rất tinh vi, và đi kèm với đó thì đối tượng đi vay do ngại ngùng, xấu hổ về khoản vay nên thường giấu diếm không chịu nói ra đến khi xảy ra sự việc thì mới biết. Nói về luật, dù các quy định đã có nhưng lại chưa đầy đủ, chưa cụ thể nên quá trình xử lý điều tra thường gặp khó khăn.

Còn về các quy định, Luật dân sự 2015, trong điều 468 thì trần lãi suất là 20% nhưng có mở ngoặc là trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Nếu luật TCTD cho phép thỏa thuận thì trần lãi suất nói trên không bị vi phạm. Ví dụ như cho vay tiêu dùng hiện nay có lúc 40-45% nhưng không vi phạm luật.

Theo tôi, nếu luật chuyên ngành cho phép thỏa thuận, thì áp dụng luật Hình sự, Dân sự cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Như chúng ta thấy, hệ thống ngân hàng hiện nay đã có đầy đủ các loại hình TCTD để đáp ứng nhu cầu vay vốn của tổ chức cá nhân trong đời sống xã hội, mỗi loại hình có một sân chơi riêng, mỗi loại hình có một phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu.

Nhưng ngặt nỗi, đối tượng vay tín dụng đen là những người có công việc không ổn định, thu nhập không ổn định, phát sinh nhu cầu thậm chí liên quan hành vi không lành mạnh với xã hội… từ đó dẫn đến việc người ta không nhận thức được về tín dụng đen. Khi điều kiện kinh tế xã hội càng phức tạp thì càng là mảnh đất màu mỡ để cho tín dụng đen phát triển.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển. Và với sự phát triển của công nghệ, gần đây có thể kể đến cho vay ngang hàng, cho phép cho vay trực tuyến, rất tinh vi và ngày càng phổ biến.

PV: Tín dụng đen đã "vươn vòi" ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, vậy làm thế nào để người dân không bị các xúc tu ấy hút vào khi mà nhu cầu vay vốn làm ăn, vay vốn tiêu dùng vẫn đang nóng trong dân?

TS. Cấn Văn Lực: Mặc dù các công ty tài chính đã ra đời và mở rộng trong thời gian qua để phần nào đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sửa chữa cho người dân nhưng để tiếp cận đến từng địa phương nhỏ lẻ thì vẫn chưa thể. 

Khả năng tiếp cận thị trường tài chính ngân hàng của người dân Việt Nam vẫn còn tương đối thấp là điều kiện để tín dụng đen phát triển. Theo thống kế của World Bank, chỉ khoảng 40% người lớn Việt Nam có tài khoản ngân hàng trong khi con số này tại Trung Quốc là 78%, của khu vực châu Á Thái Bình Dương là 70%.

Rõ ràng chúng ta còn nhiều dư địa để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp, và điều này cũng có nghĩa là còn ngần ấy dư địa đang nằm trong tầm ngắm của tín dụng đen, có nguy cơ vướng vào mạng "lưới" cho vay lãi suất cao này.

Để hạn chế tín dụng đen, ngoài những giải pháp trên, cần nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân về các dịch vụ để họ tìm đến tín dụng chính thức, tín dụng phi chính thức thay vì tín dụng đen. Từ đó sẽ hạn chế tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Xin cảm ơn ông!