18/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Nhìn lại những dự án bệnh viện nghìn tỷ "đắp chiếu" cả thập kỷ

Cập nhật lúc: 17/07/2017, 12:30

Những dự án bệnh viện nằm ở những khu đất vàng, vị trí đắc địa và có tổng số vốn lên đến ngàn tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ nhưng tiếc thay bị lùi đến vô thời hạn.

Bệnh viện “đắp chiếu” qua hai thập kỷ

Được cấp phép từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư lên đến 50 triệu USD, dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội đã bị “đắp chiếu” đến 20 năm. Dự án nằm giữa khu đất “vàng” với mặt tiền nhìn ra hồ nước công viên Nghĩa Đô, do tập đoàn Keystone Invest (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Tổng diện tích xây dựng khoảng 2,7 ha với 300 giường, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não, tim mạch...

Hiện tại khu vực xây dựng vẫn đang được rào chắn kiên cố, có bảo vệ đứng gác không cho người lạ vào bên trong. (Ảnh: An Yên)

Theo hồ sơ, Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội khởi công tháng 8/2007, tháng 2/2011 hoàn thiện phần thô, năm 2012 hoàn thiện kiến trúc phần thân, năm 2015 là giai đoạn thi công phần cơ điện, khuôn viên sân vườn. Từ tháng 1 – 10/2016 sẽ tiếp tục thi công để hoàn thiện và lắp đặt xong toàn bộ thiết bị y tế cho 500 giường bệnh để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại khu vực xây dựng vẫn đang được rào chắn kiên cố, có bảo vệ đứng gác không cho người lạ vào bên trong.

Phía sau dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội mới chỉ hoàn thiện phần thô (Ảnh: An Yên)

Được biết, nguyên nhân của sự đình trệ này là do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, xảy ra sự cố khi nhập thiết bị điều hòa không khí, khi lắp hệ thống điện cho bệnh viện… Không những thế, đến giữa năm 2012, dự án này còn nợ khoảng 65.000 USD tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp.

Bốn dự án bệnh viện ở cửa ngõ thủ đô bị bỏ ngỏ

Năm 2011, Hà Nội chủ trương tập trung nguồn vốn để đầu tư cho các dự án dân sinh, trong đó xây dựng 4 dự án bệnh viện lớn (quy mô mỗi nơi 1.000 giường) tại 4 huyện ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Theo chủ trương, các bệnh viện này sẽ nằm về 4 phía, gồm: bệnh viện đa khoa phía Bắc tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (dự kiến khởi công tháng 9/2011, khai thác sử dụng từ tháng 6/2013); bệnh viện thứ hai ở phía Tây, đặt tại huyện Đan Phượng hoặc Thạch Thất (diện tích khoảng 10 ha, cũng dự kiến khởi công tháng 9/2011); bệnh viện thứ ba phía Đông, tại huyện Gia Lâm và bệnh viện thứ 4 phía Nam, tại huyện Phú Xuyên.

Trong các dự án, bệnh viện tại Mê Linh được triển khai đầu tiên, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công. Mặc dù trước đó đã có hàng loạt văn bản liên quan được Hà Nội ban hành như: văn bản phê duyệt chủ trương thành lập (từ năm 2011); quyết định thu hồi 9,57 ha đất và giao 11,13 ha đất tại xã Tam Đồng và xã Đại Thịnh để thực hiện giải phóng mặt bằng ; văn bản phê duyệt đầu tư dự án, giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng mức gần 2.700 tỷ đồng…

nhưng sau 6 năm có chủ trương vẫn chưa khởi công thực sự. (Phối cảnh dự án - Nguồn: Hà Nội Mới

Đã qua nhiều năm song dự án bệnh viện tại Mê Linh vẫn chưa được khởi công thực sự. (Phối cảnh dự án - Nguồn: Hà Nội Mới)

Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình thiếu vốn

Dự án bệnh viện Sản nhi Ninh Bình được khởi công xây dựng từ năm 2010, với tổng số vốn 2.700 tỷ đồng, quy mô 900 giường bệnh. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư dự án là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình thì trong tổng 2.700 tỷ đồng, đến nay công trình mới chỉ được giải ngân hơn 500 tỷ đồng. Không những vậy, mỗi năm chủ đầu tư chỉ được cấp một số vốn nhất định nên nhà thầu chỉ thi công cầm chừng, hết vốn lại dừng thi công. Như vậy, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu vốn khiến nhiều hạng mục của bệnh viện này phải nằm "đắp chiếu" thời gian dài.

Dự án vẫn bệnh viện Sản nhi Ninh Bình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu vốn khiến nhiều hạng mục của bệnh viện này phải nằm "đắp chiếu" thời gian dài. (Nguồn: Dân trí)