18/01/2025 | 12:00 GMT+7, Hà Nội

Bán biệt thự làm đường sắt: Đừng "khát vốn" mà "lỡ tay"

Cập nhật lúc: 15/07/2017, 08:01

Thông tin Thành phố Hà Nội quyết định cấm hoạt động của xe máy tại các quận nội đô bắt đầu từ năm 2030, dù đã được phát tín hiệu từ trước, nhưng vẫn khiến nhiều người cảm thấy khá "sốc". Họ "sốc", một phần vì nghi ngờ tính khả thi của chủ trương đó, bởi không hiểu chính quyền Thủ đô sẽ có phương án gì để thay thế sự tồn tại của hơn 5 triệu chiếc xe máy kia? Tuy nhiên, khi nghe thông tin về việc Hà Nội sẽ bán, cho thuê biệt thự để lấy tiền làm đường sắt trên cao, không ít người đã tỏ ra lạc quan, tin tưởng về chủ trương ấy...

Theo Quy hoạch của Thành phố, từ nay đến 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 417 km, bao gồm cả đường sắt đi trên cầu cạn, mặt đất và đi ngầm. Tổng chi phí xây dựng toàn bộ các tuyến đường sắt nội đô cho ước tính khoảng 40 tỷ USD. Đó là một con số cực kỳ lớn, nếu không muốn nói là "khủng khiếp", so với dự án giao thông của một thành phố, dù có là Thủ đô đi chăng nữa.

Nhiều người khi nghe dự án này sẽ hỏi ngay câu đầu tiên là...."Tiền đâu?". Đương nhiên, chính quyền Thành phố đã có các kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết, theo từng giai đoạn nhất định. Trong đó, thông tin mới nhất vừa được chính quyền Thủ đô thông báo, Hà Nội đang xin trên cho phép đấu giá, cho thuê quỹ nhà đất chuyên dùng, biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, trụ sở đơn vị dôi dư nằm trong danh mục được phép bán, cho thuê. Nếu được chấp thuận, Hà Nội sẽ huy động khoảng 15.000 tỷ đồng từ nguồn tiền đó để xây dựng các tuyến đường sắt. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, thực tế và khả thi của chính quyền Hà Nội.

Từ trước tới nay, trong lĩnh vực BĐS, những khu đất thuộc sở hữu Nhà nước, các trụ sở đơn vị dôi dư hoặc các khu biệt thự thuộc nhà "công vụ" luôn được hiểu ngầm là những vị trí "bất khả xâm phạm" theo nhiều nghĩa. Có một thực tế là, không chỉ mang trên mình cái vỏ "bất khả xâm phạm", các khu đất, trụ sở, ngôi nhà ấy lại thường tọa lạc ở những vị trí "đắc địa", được giới đầu tư BĐS coi là mảnh "đất vàng", "đất kim cương". Nó luôn là niềm mơ ước, thèm khát của bất cứ chủ đầu tư nào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Có giá trị là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều khu đất, căn biệt thự công vụ hoặc các trụ sở cơ quan dôi dư...lại đang bị buông lỏng quản lý, sử dụng, hoạt động không hiệu quả. Thậm chí, có những khu đất, tòa nhà, cả chục năm nay không thấy có bóng người sinh hoạt trong đó. Nó nằm im lìm như những mảnh đất "chết", những ngôi nhà "ma". Đơn cử như có thông tin cho biết, ngôi biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa đã bị bỏ hoang gần 3 năm nay. Đây là ngôi biệt thự có diện tích khoảng 410 m2, tọa lạc ở “khu đất vàng” thuộc quận trung tâm của Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, nhìn từ ngoài vào, người ta chỉ thấy nổi bật lên là hình ảnh cánh cổng và hàng rào sắt đã hoen rỉ. Nếu cho thuê, chắc chắn 3 năm qua, ngôi biệt thự này cũng đóng góp được nguồn thu không hề nhỏ. Ngoài ví dụ điển hình kể trên, Hà Nội vẫn còn một số ngôi nhà, trụ sở dôi dư đang bị sử dụng trái phép, gây lãng phí khá lớn cho nguồn thu ngân sách.

biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa bỏ hoang đã lâu.

Biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa bỏ hoang đã lâu.

Thấy vui và tin vào quyết định trên của Hà Nội, nhưng, vẫn có chút lợn cợn khi nghĩ đến các bước triển khai chủ trương ấy. BĐS luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Điều lo ngại đầu tiên, đó là, khi cho thuê, bán, liệu chính quyền Hà Nội có đảm bảo tất cả các diện tích đất, ngôi nhà kia đều nằm trong đối tượng được phép xử lý? Liệu có vì "khát vốn" mà chính quyền "lỡ tay" bán tống bán tháo tài sản của Nhà nước hay không?!? Đây là những nỗi lo hoàn toàn có cơ sở thực tế. Nhất là khi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi tập trung hầu hết các trụ sở cơ quan Trung ương và các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước. Để kiểm soát được việc bán, cho thuê đúng các khu đất, căn biệt thự nằm trong chức năng, thẩm quyền, hoặc nhu cầu thực tế sử dụng là điều không hề đơn giản.

Một nỗi lo khác, đó là quá trình tiến hành bán, đấu giá, cho thuê, liệu có thực sự khách quan, chính xác, minh bạch? Muốn đạt được điều đó, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, hoạt động độc lập. Cũng là khu đất trụ sở dôi dư, căn biệt thự công vụ, cùng diện tích, nhưng mỗi vị trí, thậm chí hướng nhà, nó lại mang giá trị kinh tế rất khác nhau. Do đó, lúc này, việc công khai, minh bạch từng vị trí, mức giá sàn...có lẽ là điều đòi hỏi đầu tiên đối với chính quyền Thủ đô. Dư luận đã nhiều lần thất vọng, ì xèo vì kiểu "đấu giá kín" đối với những khối tài sản thanh lý của nhà nước. Vì vậy, chắc chắn, họ cũng không khỏi lo ngại điều đó sẽ xảy ra tương tự khi Hà Nội triển khai đấu giá hàng loạt những "mảnh đất vàng", "căn nhà vàng" kia.

Dù còn chút lăn tăn, nhưng vẫn phải khẳng định, việc Hà Nội quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông công cộng trong nội đô là những tín hiệu đáng mừng. Những tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ra đời, thay thế cho những chiếc xe máy cá nhân là bước đi đúng đắn, hợp lý, đúng quy luật phát triển. Qua chủ trương bán đấu giá và cho thuê nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố dôi dư để bổ sung kinh phí của Hà Nội, thấy vui không chỉ vì Thủ đô đã tìm ra "hướng đi" trong việc tìm kiếm nguồn vốn nằm "bất động" từ nhiều năm qua. Mà còn thêm tin tưởng rằng, chắc chắn, qua đợt "tổng huy động nguồn lực" lần này, chính quyền thành phố sẽ tìm ra biện pháp để siết chặt hơn nữa công tác quản lý nguồn tài nguyên, kể cả chính sách quản lý, sử dụng nhà, đất công vụ, vốn từ lâu đã bị buông lỏng.